Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hầu như thời kỳ nào, vùng đất này cũng lưu lại những dấu ấn của tiền nhân, quốc gia, dân tộc, có những thứ đã ẩn sâu trong lòng đất mẹ, có những thứ đang thi gan cùng tuế nguyệt. Đây là những loại hình tài nguyên di sản văn hóa độc đáo và không thể tái tạo, là một trong những giá trị phổ quát nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An. Để góp phần thúc đẩy vùng đất Ninh Bình phát triển toàn diện, xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thì việc nghiên cứu, bảo tồn di tích khảo cổ kết hợp trải nghiệm dân tộc học, kết nối quá khứ và hiện tại tạo nên sản phẩm du lịch di sản, theo xu hướng phát triển bền vững là hết sức cần thiết. |
Qua quá trình hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa các đơn vị nghiên cứu ở trong nước và quốc tế cho chúng ta một kho tư liệu vô cùng phong phú về lịch sử nhân loại. Từ những vỏ ốc biển được chế tác làm đồ trang sức (vòng đeo tay; đeo cổ…) có tuổi trên 20.000 năm, đến những mảnh gốm có niên đại sớm trên dưới 9.000 năm, đã xác định nơi đây là một trong những cái nôi của gốm có tuổi sớm nhất ở vùng Đông Nam Á và thế giới. Có thể khẳng định rằng, Tràng An là kho tư liệu đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn cho chúng ta nghiên cứu về nhân loại thời tiền sử. Kho tư liệu này cũng đã hé mở cho chúng ta biết về cách con người thời tiền sử di cư như thế nào. |
Và tất cả những thông tin ấy cho chúng ta viết nên một câu chuyện thú vị về cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường, như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo, thậm chí có cả những hiện tượng thiên tai bất thường như động đất. Chúng ta có thể khẳng định một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Ninh Bình, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm, thể hiện trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử được phát hiện và nghiên cứu. |
Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất trong nhiều năm qua đã góp phần làm sáng rõ diện mạo của kinh đô Hoa Lư: Thành quách kiên cố, có nhiều kiến trúc quy mô lớn và các cung điện, lầu gác được trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng của thời Đinh và tiền Lê. Bước đầu cho chúng ta mường tượng ra cách bố trí quy hoạch hệ thống cung điện từ cấm thành đến hoàng thành, khu sinh hoạt tôn giáo trong không gian mà nhà Đinh đã khéo quy hoạch, đắp những tuyến tường thành khép nối những dãy núi, núi lẻ để có một kinh thành mang dáng dấp một thung lũng lớn được bao bọc bởi núi và tường thành nhân tạo, bên bờ hữu sông Hoàng Long. Qua đó cũng cho thấy, khi nhà Đinh cho xây dựng kinh đô ở đây trong bối cảnh môi trường không hoàn toàn hoang sơ mà nơi đây có thể đã là một trung tâm đô hội hay còn là trị sở của một huyện dưới thời thuộc Bắc. |
Cũng qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học môi trường cho thấy, kinh thành này cũng mang đậm một yếu tố đô thị ven biển (một tầm giáo là phóng tới biển Đông), khi đó sóng biển còn vỗ về dưới chân núi Non Nước mà cho tới thời Lý còn có cửa biển Đại Ác-Đại An cận kề với núi này, hay thời điểm trước đó còn có một cửa biển "Gián Khẩu" liền kề, nơi thế lực đô hộ phương Bắc xây dựng cầu cảng chuyên chở những sản vật, sa khoáng khai thác từ lưu vực sông Bôi và sông Hoàng Long. Như vậy, kinh thành Hoa Lư bên hữu của con sông Hoàng Long lúc đó còn có vị trí ở gần vùng giao thủy giữa nước ngọt của sông và nước mặn của biển. Con người đã sớm biết lợi thế của điểm giao thủy để tụ cư khai thác một nguồn thủy sản phong phú (có cả hải sản nước mặn lẫn thủy sản nước ngọt) vừa là điểm ngược lên thượng nguồn hay xuôi ra biển cả đều rất dễ dàng thuận tiện. |
Ngoài ra, tại một số địa phương thuộc lưu vực sông Hoàng Long, sông Lạng, sông Bôi và ven sông Đáy đã phát hiện nhiều dấu tích vật chất cho thấy kinh đô Hoa Lư không chỉ gói gọn trong những tuyến tường thành tự nhiên (núi đá) và nhân tạo, mà còn được quy hoạch những vòng đai phòng thủ, những làng ven đô phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Hay trước đó nó còn có một kinh đô dã chiến, một kinh đô tạm thời trong quá trình xây dựng Kinh đô Hoa Lư tại Sơn Lai trước và sau năm 968. Vùng đất Hoa Lư, trong nối liền lưu vực sông Mã, sông Lam, ngoài nối liền với miền hạ lưu phì nhiêu của sông Nhị, đã trở nên một vùng căn cứ liền khoảnh đủ giàu có về nhân tài vật lực để gánh vác sứ mệnh nền tảng thống nhất nước nhà. |
Hành cung Vũ Lâm thời Trần có đặc trưng giá trị lịch sử văn hóa riêng biệt, khác hẳn với hệ thống di tích thời Trần còn lại trên miền Bắc nước ta. Hành cung Vũ Lâm vừa là căn cứ kháng chiến chống quân Nguyên Mông; đồng thời cũng chính là nơi đầu tiên các vua Trần quy y Phật pháp, tiếp tục khơi nguồn dòng Phật giáo Việt, định hình dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. |
Ninh Bình có một không gian bảo tồn khá nguyên trạng những giá trị lịch sử địa chất, địa mạo, cùng với những giá trị về lịch sử sự sống, lịch sử tiến hóa của loài người, lịch sử của tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật... đã cho chúng ta những tư liệu phác họa nên một bức tranh, một câu chuyện sống động về sự thích nghi của loài người trước những biến đổi của thiên nhiên, một truyền thống sử dụng vùng núi, vùng biển để sinh tồn và để hôm nay chúng ta tiếp tục bảo vệ và phát huy những giá trị di sản của nhân loại. |
Hiện nay, một lượng khách du lịch khá lớn có xu hướng muốn tiếp cận với di tích khảo cổ, như là một trong những nhu cầu tự nhiên của con người là tìm hiểu về quá khứ, hiểu về thời đã qua, để "ôn cố tri tân" tìm hiểu về cái cũ để nhận biết được cái mới trong hiện tại và mong muốn cao hơn nữa là dự đoán được tương lai. Việc bảo tồn di tích khảo cổ, tạo không gian (hành lang bảo vệ) cho khách du lịch tiếp cận được di tích, hiểu được giá trị của di tích mà không làm ảnh hưởng tiêu cực tới di tích cần thực hiện bài bản, công phu, có đầu tư lớn, cần được khuyến khích đầu tư. |
Công tác lập quy hoạch khảo cổ là rất cần thiết, nhằm sớm nhận biết, đánh giá giá trị di tích khảo cổ để có kế hoạch dài hơi trong việc bảo vệ, có chính sách di dời dân cư, nhường không gian cho bảo tồn, diễn giải giá trị di sản bằng công nghệ hiện đại, khuyến khích du lịch có trách nhiệm, tạo xu hướng phát triển bền vững. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác bảo tồn di tích kết hợp với phát triển du lịch, nhất là những di tích ở những nơi khó tiếp cận. Việc đầu tư vào công tác bảo tồn khá tốn kém, thu lại từ việc phát triển du lịch cần có thời gian dài nên cần có chính sách riêng trong lĩnh vực này. Như vậy, trong tương lai, những di tích khảo cổ cần tiếp tục được nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn tốt, đặc biệt cần được phát huy tốt giá trị, trong đó có việc khuyến khích phát triển du lịch xanh, tạo xu hướng phát triển bền vững. Đổi mới trong những cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng hành lang pháp lý cho việc bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản. Có cơ chế, chính sách để cộng đồng địa phương thực sự gắn bó với di sản, có trách nhiệm cùng bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản. Khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với việc phát triển sản phẩm nông sản có giá trị cao ở địa phương. |
Cùng với đó, đầu tư trong việc xây dựng nguồn nhân lực thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản (nhân sự làm nghiên cứu khoa học bảo tồn, lực lượng thuyết minh giới thiệu giá trị di sản chuyên nghiệp). Đổi mới hình thức diễn giải giá trị di sản, áp dụng công nghệ hiện đại, bước đầu đã làm một phần nhỏ ở Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư (công nghệ trình chiếu Mapping) cho thấy có hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch. Trong tương lai, cần kết hợp với việc trải nghiệm dân tộc học, kết nối từ quá khứ đến hiện tại, kích thích tư duy sáng tạo để tăng phần hấp dẫn, thu hút khách du lịch. |
Bảo tồn tốt bối cảnh không gian di tích, không gian sống của người tiền sử bên những hang động, mái đá, thung lũng, cần có thêm những tượng sáp để cuốn hút du khách cũng như dễ mường tượng về cuộc sống của người tiền sử. Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư cần có thêm những sa bàn giới thiệu toàn cảnh sinh động, các tuyến tường thành cần làm nổi bật thông qua khai quật phục hồi cũng như bối cảnh không gian cổ xưa, có cửa thành (cửa bộ, cửa nước), không gian quy hoạch khu hoàng thành, cấm thành, cung điện, hành cung, cùng bối cảnh cuộc sống của cư dân qua các thời kỳ lịch sử cần được nhận diện, phục hồi, kết hợp trải nghiệm dân tộc học, sẽ là nơi đáng sống, đáng đến để trải nghiệm. |