Từ xưa đến nay, núi Non Nước được xem như biểu tượng của Ninh Bình, thu hút sự quan tâm, chú ý, yêu thích của người dân, du khách và các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước" do UBND tỉnh Ninh Bình và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở trung ương và địa phương để làm rõ các giá trị của hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước. Qua đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích di sản văn hóa. |
Các bản văn khắc hiện còn trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước. |
Trong nhiều công trình nghiên cứu về văn bia trên di tích núi Non Nước của các nhà nghiên cứu Trung ương và của tỉnh, các tác phẩm thơ, văn khắc trên núi đá là nguồn tư liệu vật chất quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu về văn hóa, văn học - nghệ thuật, chữ viết của dân tộc. Đồng thời cũng cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng về nghề chạm khắc đá ở Ninh Bình xưa nay. Các tham luận tại Hội thảo khoa học đã tập trung giới thiệu khái quát về núi Non Nước trong lịch sử, từ thời kỳ kiến tạo hình thành ngọn núi ở ngay sát sông lớn này tạo nên cảnh quan kỳ thú và vị trí đắc địa cả về phong thủy, lẫn quân sự. Nhiều bài nghiên cứu đã đi sâu nghiên cứu giới thiệu nội dung và thông tin tư liệu của những bài thơ, văn tiêu biểu khắc trên vách núi Non Nước. |
Tại núi Non Nước, quanh chân núi còn in dấu các ngấn nước, dấu hiệu của quá trình biến đổi địa mạo, cảnh quan vùng đất. Trên cơ sở lịch sử địa chất lâu dài, đa dạng về địa hình, địa mạo, là điểm giao thoa giữa các luồng di cư của động vật, thực vật theo hướng lục địa và biển, giữa các vịnh biển theo hướng Bắc - Nam cũng như sự tác động đem đến từ con người đã làm cho núi Non Nước có một hệ sinh thái khá đa dạng. |
Tỉnh Ninh Bình cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước nói riêng, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói chung. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. |
Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa theo Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) thì công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước vẫn còn một số hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, chống xuống cấp các công trình trong khu di tích chưa được đầu tư đúng mức; công tác bảo tồn hệ thống văn bia gặp nhiều khó khăn do chịu tác động từ thời tiết, sự phong hóa tự nhiên của đá, xâm thực của rêu mốc, cây cối; các tài liệu tuyên truyền, giáo dục về giá trị các di sản văn hóa tại di tích còn sơ sài, chưa được quan tâm… |
Trong nhiều ý kiến đóng góp các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung đưa ra các khuyến nghị, giải pháp với Ninh Bình về: công tác quản lý Nhà nước, về công tác bảo tồn giá trị di sản, phát huy giá trị di sản… Trong đó, nhiều ý kiến rất đáng quan tâm, triển khai thực hiện đảm bảo tính khả thi cao. |
Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng: Danh thắng núi Non Nước được công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia năm 1962 và năm 2019 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự quan tâm đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị nhiều mặt của các di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt ở Ninh Bình. |
Giới thiệu về giải pháp công nghệ để bảo tồn hệ thống bia, văn khắc trên núi Non Nước, giải pháp số hóa di sản trên nền tảng công nghệ hiện đại được nhiều đại biểu đánh giá là giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất để tạo lập cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin về hệ thống bia, văn khắc núi Non Nước bao gồm hình ảnh, mô hình 3D, nội dung văn bản bia ký, văn khắc, thông tin lịch sử đi kèm cùng với các giải pháp truy cập, hiển thị… nhằm phát huy giá trị, góp phần quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương. |
Nhiều ý kiến đã hoan nghênh sáng kiến của Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu của trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức hội thảo làm cơ sở cho việc định hướng xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cấp quốc gia và quốc tế đối với các văn bia. Bên cạnh đó, để phát huy giá trị hệ thống văn bia núi Non Nước phục vụ phát triển du lịch, các nhà khoa học cũng đề cập đến việc kết nối núi Non Nước với các di tích khác trong nhóm "Tứ đại danh sơn" của thành phố Ninh Bình và các ngọn núi ở vùng lân cận để xây dựng tuyến du lịch tham quan và nghiên cứu về hệ thống văn khắc, chữ viết trên núi đá nhằm tạo thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, có hàm lượng văn hóa cao cho du khách… |