Ngay cả những bậc cao niên cũng chẳng thể nhớ nổi văn hóa cồng chiêng đến với thôn Đồi Bồ (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan) tự bao giờ, chỉ biết rằng khi họ được nhìn thấy mặt trời cũng là lúc họ được chìm đắm trong điệu cồng chiêng trầm hùng, hoan hỉ. Từ bao đời nay, người Mường ở Đồi Bồ đã gắng sức nâng niu, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc ấy tự như giữ gìn "báu vật"… |
Gần 90 tuổi, cụ bà Bùi Thị Nhụ vẫn hăng say tham gia buổi tập luyện với đội chiêng của thôn. Cụ bảo, không còn đánh chiêng thường xuyên được như khi còn trẻ nhưng trong những buổi tập, có sự tham gia của người già thì sẽ tiếp thêm cho người trẻ sự nhiệt huyết, tình yêu và trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật của bản làng, của cha ông mình. Nâng niu chiếc chiêng như thể chạm vào những ký ức rất xa xưa, cụ Nhụ bảo, đây là những chiếc chiêng cổ đấy, trước đây ở Đồi Bồ có nhiều, song trải qua nhiều biến cố của thời gian, hiện nay cả thôn chỉ còn lại 8 chiếc chiêng của 8 gia đình. Là của gia đình song từ bao đời nay, những chiếc chiêng cổ này luôn được nâng niu, gìn giữ và tự hào như một "báu vật" chung của cả làng. |
Bà Hoàng Thị Tuất (54 tuổi) là Phó Chủ nhiệm CLB Bản sắc dân tộc Mường xã Thạch Bình. Bà Tuất chia sẻ: CLB mới được thành lập từ năm 2021, với hạt nhân nòng cốt là đội chiêng thôn Đồi Bồ. Thực ra, trước khi CLB được thành lập, đội Chiêng Đồi Bồ đã có từ rất xa xưa. Thế hệ sau tiếp quản từ thế hệ trước, cứ như vậy mà gìn giữ cồng chiêng đi qua biết bao thăng trầm. |
Sau một hồi chuẩn bị, đội Chiêng gồm 8 người với 8 chiếc Chiêng cổ đã sẵn sàng cho bài tập. Chiêng Đồi Bồ vang lên âm thanh trầm hùng. Điệu Chiêng mỗi nơi đánh một kiểu nhưng Đồi Bồ vẫn giữ kiểu đánh từ xưa, không giống nơi nào với 3 tiếng Chiêng đầu là "buồm, bính, biêng". Những bước chân uyển chuyển, khoan thai như mang lại một cảm giác yên bình đến tĩnh tại, bỏ lại phía sau sự ồn ào và mọi lo toan của cuộc sống. Nghe tiếng Chiêng vang xa, những người dân đủ mọi lứa tuổi, trong đó có nhiều em nhỏ ở trong thôn dần dần tụ hội đến đông đủ để thưởng thức. Có lẽ, tình yêu sâu sắc về tiếng Cồng Chiêng cũng được truyền thụ, lan tỏa ở Đồi Bồ một cách mộc mạc, giản đơn như vậy. |
Như một lời hẹn trước, vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, đội Cồng, Chiêng của đồng bào Mường ở huyện miền núi Nho Quan lại náo nức mang những tiết mục đặc sắc để trình diễn trong không gian đẫm sắc màu văn hóa của Lễ hội Hoa Lư. Năm nay, đội Chiêng của xã Kỳ Phú đã được lựa chọn để tham gia sự kiện này. |
Bà Đinh Thị Tính (60 tuổi) ở bản Thường Sung (xã Kỳ Phú). Bà Tính nổi tiếng một vùng vì chơi mảng giỏi, đánh Chiêng hay. Bà Tính bảo, văn hóa truyền thống của dân tộc là món ăn tinh thần không thể thiếu, là động lực, là làn gió tươi mát làm dịu nhẹ nỗi nhọc nhằn. Nhất là vào mùa xuân, mùa lễ hội, ai cũng sắp xếp việc nhà để cùng nhau đi đánh mảng, đánh Cồng Chiêng, để rồi lại bắt đầu một năm mới với nhiều dự định và lo toan. |
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú tự hào: Đối với đồng bào dân tộc Mường ở Kỳ Phú, tiếng Cồng Chiêng là thanh âm quan trọng, linh thiêng và gắn bó gần như trọn vẹn đời sống của bà con. Thật tự hào khi xã vùng cao Kỳ Phú có cơ hội được đưa thanh âm này đến với dịp Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Lễ hội Hoa Lư 2024. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tham gia sự kiện đặc biệt này. Ông Quách Ngọc Thu vốn là cán bộ xã đã nghỉ hưu. Bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết và tình yêu mãnh liệt với với Cồng Chiêng, ông Thu được giao nhiệm vụ hướng dẫn đội Chiêng Kỳ Phú tập luyện để chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư. Ông Thu nói rằng: Tiếng Chiêng của Kỳ Phú đã được âm vang ở nhiều nơi, nhưng được tham gia vào không gian văn hóa đặc sắc của Lễ hội Hoa Lư lại là một trải nghiệm rất đặc biệt. |
Chị Bùi Thị Đào, thành viên trẻ nhất của đội Chiêng Kỳ Phú phấn khởi: Mặc dù những bài hòa tấu cồng chiêng đã quá quen thuộc với người Kỳ Phú, song để mang đến Lễ hội Hoa Lư một tiết mục hấp dẫn nhất, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách thì chúng tôi đã tích cực, hăng say tập luyện. Tôi rất tự hào khi đã được góp phần giới thiệu "báu vật" của đồng bào Mường tới đông đảo du khách thập phương, du khách quốc tế. Nhằm gìn giữ nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Mường, xã Kỳ Phú đã thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc. Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng, miền từ các CLB trong và ngoài tỉnh; sưu tầm, biên tập, lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên, sắc bùa; tham gia hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ về giá trị truyền thống của quê hương. |
Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh với 7 xã gồm: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương, Thạch Bình và 4 thôn ở xã Xích Thổ và Phú Sơn được công nhận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với gần 29 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Để khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh ta đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường; bảo tồn văn hóa Cồng Chiêng của dân tộc Mường. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34 về "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030" nhằm giữ gìn, phổ biến và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. |
Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được tỉnh, huyện triển khai như: hỗ trợ kinh phí khôi phục lại một số ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường; mua sắm thêm một số dụng cụ như Cồng, Chiêng, nỏ, hay tổ chức ngày hội văn hóa… để người dân có thêm điều kiện, cơ hội thực hành nét văn hóa xưa. |