Được biết, nghề làm gốm vốn không phải nghề bản địa, gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh. Năm 1959, một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây và mở một số lò gốm làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt như: nồi, niêu, chum vại… và cũng từ đó làng gốm Gia Thủy ra đời. Vùng quê này được đất trời ưu ái cho nguồn nguyên liệu đất sét đặc biệt có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt; cùng đôi bàn tay tài hoa và lòng say nghề của những người thợ đã góp phần phát triển nghề gốm với sức sống bền bỉ, hình thành nên tinh hoa của đất và người nơi đây. |
Trong quá trình phát triển, làng nghề gốm Gia Thủy chịu tác động của những biến chuyển xã hội, những chuyển hóa mạnh của đô thị hóa, của kinh tế thị trường nên văn hóa, xã hội của làng nghề truyền thống cũng ít nhiều bị biến đổi theo. Tuy nhiên, dù ở đâu, ở thời điểm nào, giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề vẫn được lưu truyền đó là ý thức bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp và kỹ thuật chế tác sản phẩm gốm. |
Về nguyên liệu: Đất sau khi được lựa chọn kỹ sẽ được đem phơi khô, đập nhỏ, cho vào bể ngâm để loại bỏ tạp chất bằng cách sàng lưới thủ công. Sau đó đem phơi cho đến khi đạt độ ẩm tiêu chuẩn, khô đến đâu phơi dán lên tường, rồi tiếp tục nhào nặn, từ đó mới ra đất sản phẩm. Khâu làm đất phải cực kỳ tỉ mỉ vì chỉ cần một cái dằm cũng khiến bình gốm dò thủng, không sử dụng được. Một mẻ gốm nung đốt trong lò thủ công mất khoảng 4 ngày 4 đêm với nhiệt độ từng thời điểm khác nhau. Vì lẽ đó, người làm gốm phải thay nhau thức canh lò trắng đêm suốt sáng. |
Về hình: Phải tạo thế nào cho có hồn, nôm na là sản phẩm phải "khôn". Cuối cùng cũng là quan trọng nhất đó là sự lành nghề, tinh khéo của bàn tay thợ, cùng mỹ ý từ trong tâm họ thả vào trong sản phẩm, tạo cho sản phẩm cái hồn cốt riêng. Sự hòa quyện hoàn hảo giữa đất, lửa, bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ, gốm hóa sành bằng nước men nâu bóng hoàn toàn tự nhiên, cứng như thép. |
Ông Đinh Văn Cửu, thôn Tiền Phương 2, xã Văn Phương (huyện Nho Quan) là khách hàng thường xuyên mua những sản phẩm gốm Gia Thủy cho biết: Gốm Gia Thủy thiên về độ bền chắc, sản phẩm có thể dùng hàng chục năm không lo rò rỉ. Đặc biệt, có thể phân biệt với loại hàng khác nhờ nước men tự nhiên như mật vàng trên cổ bình do quá trình nung thủ công từ nhiệt độ tạo thành. |
Thực tế cho thấy, những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của bà con mà còn là những sản phẩm mỹ nghệ, phản ánh được quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa dân cư. Qua thử thách thời gian, gốm Gia Thủy dần được chọn lọc, được thừa nhận để tồn tại, phát triển, trở thành kiểu mẫu cho những sản phẩm cùng loại sản xuất, chế tác tiếp sau đó. Chính vì vậy, mọi quy trình làm gốm từ sản xuất, buôn bán đều khép kín trong một làng nghề để kiểm soát chất lượng hàng hóa theo quy chuẩn. HTX gốm Gia Thủy cũng dần chuyển đổi sản xuất theo hướng khoa học để theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường và hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống lâu dài, bền vững. |
Điều đặc biệt với những người thợ ở đây là không giấu nghề, tinh thần cộng đồng rất cao. Hiện, làng nghề có 7 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, hơn 50 lao động thường xuyên, mức lương từ 5 triệu đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi người thợ đều gắn bó với công việc hàng chục năm nên mọi thao tác kỹ thuật của họ đều linh hoạt. Chỉ trong thời gian ngắn, những sản phẩm mang hình dáng mộc mạc, khỏe khoắn đã dần thành hình khối. Một ngày, mỗi thợ có thể tạo hình khoảng 20 sản phẩm có kích cỡ lớn và 50 - 60 sản phẩm có kích cỡ nhỏ. Các mặt hàng nổi trội của làng nghề chủ yếu là chum sành đựng nước và đựng rượu dung tích 50 - 100 - 200 lít, hũ, vò, vại, niêu… thường ít được trang trí cầu kỳ, có màu men tự nhiên, độ bền cao. |
Làm nghề, giữ nghề và sống gắn bó với nghề, dù trải qua nhiều thời kỳ nhưng gốm Gia Thủy vẫn giữ được quy trình làm gốm truyền thống, tạo hình gốm thủ công bằng tay và chân, không dùng khuôn, không tráng men. Để cho ra lò một sản phẩm phải trải qua 7 - 8 công đoạn, có khi mất cả tháng trời. Nhờ đó, các sản phẩm mang tính chất độc đáo riêng biệt, có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề, chính là nét đơn sơ, mộc mạc, không bóng bẩy hay nhiều họa tiết cầu kỳ nhưng vẫn đảm bảo sự tinh tế, hài hòa, chân phương như đất, như lửa, như con người nơi đây. Song để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, gốm Gia Thủy ngày nay đã có nhiều sự thay đổi về hình dáng, kích thước, màu sắc… Ngoài những sản phẩm gốm dân dụng, phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, hiện nay, theo nhu cầu của khách hàng, làng gốm còn làm ra nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ và kỹ thuật cao như: nậm rượu, bình cắm hoa, ấm trà, một số chậu cảnh, chum sành loại lớn… |
Đặc biệt, trên mỗi sản phẩm, chính tay nghệ nhân của làng gốm sẽ trang trí họa tiết theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi khách hàng sẽ lựa chọn những điều mà mình muốn gửi gắm lên sản phẩm nên món đồ gốm đó sẽ là duy nhất và mang cá tính, tâm tư riêng của người sở hữu. Thông thường, người nghệ nhân sẽ ưu tiên sử dụng những nét hoa văn mang đậm văn hóa dân tộc Việt Nam như: tranh tứ quý, hoa sen, cây tre, 12 con giáp, cảnh đồng quê… Những sản phẩm đặt hàng sẽ có giá trị cao hơn vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh khéo hơn. |
Trong hành trình nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2021, sản phẩm bình gốm cắm hoa Gia Thủy đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao; HTX được nhận nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Các nghệ nhân cũng được các sở, ban, ngành trao tặng nhiều giải thưởng trong các cuộc thi như: Giải A Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2019 cho sản phẩm bình sành tứ linh; giải C Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2015 cho sản phẩm bình cảnh đồng quê… Được gắn sao cho sản phẩm chính là một niềm tự hào lớn đối với gốm Gia Thủy. Điều đó cũng cho thấy sự ghi nhận của chính quyền các cấp, của cộng đồng và khách hàng về chặng đường miệt mài hơn 60 năm qua của những người thợ gốm đang gắn bó với nghề. |
Cũng nhờ đó mà HTX nói chung, mỗi người thợ gốm nói riêng có ý thức hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tay nghề, hợp lý hóa chi phí sản xuất, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Nhận định về "sức đẩy" của chương trình OCOP đối với doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Dũng, Giám đốc HTX gốm Gia Thủy phấn khởi: Nếu như trước đây, chủ thể trong các làng nghề phải tự mò mẫm, tự tìm phương hướng kinh doanh nhưng vẫn gặp hạn chế về nguồn vốn, thị trường, tương tác với khách hàng thì giờ đây, nhờ có chương trình OCOP, gốm Gia Thủy dần được tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, thông qua bộ tiêu chí của OCOP giúp HTX định hướng kế hoạch sản xuất tốt hơn, từng bước hoàn thiện sản phẩm, nắm bắt cơ hội, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề. Gốm Gia Thủy đang có những bước phát triển tích cực, góp phần gìn giữ, phát huy tinh hoa giá trị gốm Việt. Tuy nhiên, HTX cũng đang trải qua những khó khăn nhất định trong quá trình sản xuất như thiếu nguyên liệu đầu vào, khả năng tài chính chưa mạnh để đầu tư, diện tích sản xuất hạn chế, lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề. |
Mỗi tác phẩm gốm xuất xưởng đều là tình yêu và sự nỗ lực không ngừng của người thợ trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Điều đó không chỉ mang lại giá trị tinh thần vô giá mà còn góp phần giữ gìn truyền thống lâu đời cho một làng nghề, luôn hướng tới cái đẹp, tạo ra cái đẹp cho đời sống con người. |