Ngực phải là huân, huy chương, ngực trái trĩu nặng bởi kỷ niệm chương, ghi dấu những chiến dịch mà thương binh nặng - liệt sỹ sống Nguyễn Văn Đãi (xã Đồng Phong, huyện Nho Quan) đã tham gia. "Trên cơ thể tôi hiện vẫn còn 3 mảnh đạn, ghi dấu ba trận đánh khốc liệt. Một mảnh đạn trong đầu, một mảnh trong phổi và một mảnh đạn đã làm hỏng con mắt trái. Những mảnh đạn còn sờ thấy được này là một phần của cuộc đời tôi. Nó nhắc tôi nhớ về những người đồng đội năm xưa. Họ không trở về mà đã hóa thành những bông hoa bất tử mãi mãi ở tuổi đôi mươi" - thương binh Nguyễn Văn Đại bắt đầu câu chuyện. |
Một sáng mùa thu năm 1968, thanh niên trẻ Nguyễn Văn Đãi gác bút nghiên, hăng hái lên đường nhập ngũ. Để được nhập ngũ, thanh niên trẻ Nguyễn Văn Đại lén dắt thêm hơn 1 kg khoai xung quanh người để đạt được trọng lượng cơ thể 40 kg. Một thanh niên 40 kg, khoác trên vai ba lô nặng chừng 50 kg phăm phăm bước vào cuộc chiến đang hồi khốc liệt. Trong không khí sục sôi, hàng nghìn thanh niên hăng hái đi vào chiến trường. Cùng với chiến thắng sẽ là cả những gian khổ, hi sinh. Điều ấy, những chiến sỹ trẻ đều đã xác định trước. Nhưng những bước hành quân vẫn rất mạnh mẽ, bởi đó là lý tưởng của cả thế hệ bấy giờ. Vào mặt trận, người lính như ông Đãi không có nhiều thời gian để nghĩ về những thứ xa xôi. Ở nơi đó chỉ có bom, đạn, có nghĩa tình đồng đội và khát khao chiến thắng mãnh liệt. Chưa kịp ăn mừng chiến thắng trận này, lại theo lệnh hành quân để chuẩn bị cho chiến dịch khác. Trúng đạn, điều trị rồi lại trở vào chiến trường "chia lửa" với đồng đội, ông Đãi đã có hơn 7 năm thanh xuân gắn với những khu rừng nhuốm màu bom đạn. Đến năm 1974, ông Đại bị thương vào mắt trong một trận đánh ở Long An. |
Ông Đãi nói rằng, ông nhớ mãi khoảnh khắc một bên mắt đẫm máu còn một bên nhạt nhòa nước mắt khi trao lại cho đồng đội hai miếng lương khô - chiến lợi phẩm từ vài ngày trước, trước khi ông được chuyển ra tuyến sau điều trị vết thương. Người đồng đội ấy nằm lại chiến trường hay may mắn trở về như ông? ông Đãi không có câu trả lời. |
Hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan (gọi tắt là Trung tâm) đang quản lý, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng 144 đối tượng. Tuy nhiên, trong đó chỉ còn 63 thương, bệnh binh nặng, mất 81% sức khỏe. Năm ngoái, có 3 thương, bệnh binh qua đời vì tuổi cao, vì bệnh hiểm nghèo. Giờ, thương binh Phạm Văn Quế, 69 tuổi (quê ở huyện Yên Mô) là thương binh gần như trẻ nhất ở đây. Ông bị thương ở chiến trường Campuchia, về điều dưỡng ở Trung tâm từ năm 1979. Thương binh Phạm Văn Quế là số ít thương binh còn khỏe mạnh, có thể trò chuyện và tiếp khách tới thăm. |
Chỉ cho tôi xem các vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Hành trang trở về của người lính năm xưa là hai mảnh đạn trong đầu, một mảnh ở lưng sau những tháng ngày chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Nhưng ông Quế bảo: Sự khốc liệt của chiến tranh nằm ở sự chia lìa của bao lứa đôi, là những người mẹ không còn giọt nước mắt để khóc con; và sự khốc liệt của chiến tranh còn nằm ở đây, ngay phía dưới các kỷ niệm chương đeo bên ngực trái này, ở trong lồng ngực này, đồng đội tôi ở đó… |
Thương binh già Trần Quốc Ngữ kể rằng, sau khi bị thương nặng, ông được đưa vào Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Khi ấy, ông như một tờ… giấy trắng. Mọi ký ức về gia đình, quê hương, đồng đội… dường như bị xóa sạch. Sau khi được tích cực điều trị, vết thương ở sọ não đã hồi phục dần và đó cũng là thời điểm các y, bác sĩ khởi đầu hành trình đi tìm lại ký ức cho ông. |
Hành trình ấy lắm gian nan. Nhưng với sự động viên, chăm sóc và điều trị tích cực của các thế hệ y, bác sĩ, ông đã tìm lại được phần nào ký ức. Ông nhận ra người thân, ông nhớ ra được vùng quê nơi "chôn nhau cắt rốn" dù rằng đó chỉ là những miếng ghép không tròn vạnh. |
Sức khỏe ổn định, ông Ngữ lập gia đình rồi lần lượt sinh 5 người con. Những lúc khỏe mạnh, ông Ngữ lại về thăm gia đình riêng của mình, nhưng tâm nguyện của ông vẫn là được sống ở Trung tâm cạnh những người đồng đội, trong vòng tay chăm sóc của các y, bác sĩ cho đến cuối cuộc đời. |
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan tâm sự, hầu hết, các thương, bệnh binh điều dưỡng tại Trung tâm đều bị tâm thần nặng, hồ sơ lại bị mất. Bởi vậy, mà ký ức về bản thân, gia đình, quê quán đã không còn hoặc nếu còn thì cũng không trọn vẹn. |
Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, chúng tôi hiểu nỗi niềm đau đáu của bệnh nhân đó là tìm về nguồn cội. Vậy nên, dù không có chức năng tìm kiếm thân nhân, gia đình các thương, bệnh binh nhưng những năm qua, Trung tâm vẫn luôn nỗ lực giúp các bệnh nhân tìm kiếm thông tin về thân nhân qua các kênh như tích cực lấy thông tin từ bệnh nhân, gửi danh sách các thương, bệnh binh đến Cục Chính sách và các tỉnh, thành phố; đồng thời, nhắn tìm thân nhân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mỗi tổ chức, cá nhân đến thăm Trung tâm. |
Chiến tranh đã lùi xa, đau thương dần khép lại. Trong mỗi câu chuyện với lớp thế hệ anh dũng ấy, chỉ còn lại những nụ cười, là tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật, là trách nhiệm sống lớn lao với những đồng đội ngã xuống… |
Tháng Bảy đã về, tháng để tri ân, tháng để tìm về lịch sử. Tháng Bảy, Trung tâm thêm nhộn nhịp bởi những đoàn khách tới thăm. Và hôm nay, tại Trung tâm này, có một cuộc gặp gỡ rất đặc biệt, cuộc gặp giữa những người mang áo lính. Thượng tá Đỗ Ngọc Thanh, Phó Chủ nhiệm chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự dẫn đầu đoàn cán bộ, học viên về thăm, chúc sức khỏe các thương, bệnh binh đang điều dưỡng ở Trung tâm. |
Tháng Bảy, tháng để triển khai các hoạt động về nguồn, cán bộ, học viên Học viện Kỹ thuật quân sự lựa chọn Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan là địa chỉ đỏ để trở về. |
Bàn Thị Trang là cô gái dân tộc Dao, quê ở tỉnh Hòa Bình. Trang là học viên năm cuối của Viện CNTT và Truyền thông, Học viện Kỹ thuật quân sự. Trang có vẻ đẹp dịu dàng và rất thông minh. Tốt nghiệp THPT, với lực học xuất sắc, Trang có nhiều sự lựa chọn cho tương lai. Nhưng rồi em quyết tâm gắn bó với màu áo lính để được phục vụ công tác trong quân đội. Quân đội giúp em trưởng thành và bản lĩnh. Trang bảo rằng, trong suốt 5 năm là học viên, em đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện; tham gia nhiều hành trình tri ân người có công với cách mạng, nhưng đây là lần đầu tiên em được về thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, được gặp gỡ, chuyện trò với những "trang nhật ký" của chiến trường. |
Trong những câu chuyện được chắp nối bằng những mảnh ký ức, em cảm nhận ở các thương, bệnh binh một sự kiên cường, dũng cảm, bền bỉ và thủy chung. Buổi gặp gỡ hôm nay sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý giá. Với em, đây không đơn thuần là nghĩa cử tri ân, mà đó là cơ hội để được tiếp nhận "ngọn lửa" can trường, trách nhiệm và vị tha từ những con người làm nên lịch sử. |