Làng nghề Sinh Dược nằm ngay dưới chân núi Đính, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, thuộc xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Tương truyền, xưa kia Quốc sư Nguyễn Minh Không thời nhà Lý (tên thật là Nguyễn Chí Thành, người làng Đàm Xá, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Tiến, Gia Thắng, huyện Gia Viễn) khi đặt chân tới nơi này, thấy rừng núi mênh mông, sơn thủy kỳ tú với muôn vàn cây thuốc quý nên đã chọn làm nơi tu hành, trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cho Nhân dân, đồng thời đặt tên cho vùng đất này là Sinh Dược (nơi cây thuốc sinh sống). |
Được biết, hiện nay, xã Gia Sinh là nơi có số lượng thầy thuốc nam nhiều nhất huyện Gia Viễn. Đặc biệt, năm 2014, bà con nơi này đã cùng góp vốn, góp đất cũng như những tri thức về dược liệu bản địa để gây dựng nên HTX Sinh Dược. Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: Vẫn là những cây dược liệu quen thuộc, trên nền tảng kinh nghiệm dân gian kết hợp với việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, chúng tôi đã nghiên cứu, điều chế, sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm dược, mỹ phẩm như: Trà An Thái, muối ngâm chân, xà phòng tắm, cao xoa bóp, muối tắm… vô cùng tiện dụng, lành tính và tốt cho sức khỏe. Chúng đều được làm từ các loài cây thảo dược canh tác theo lối tự nhiên, nói không với phân bón, thuốc hóa học nên tuyệt đối an toàn cho người sử dụng. Ngay cả nước dùng để nấu thảo dược cũng không phải là nước thông thường mà được lấy từ một giếng cổ không bao giờ cạn, đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, gọi là giếng Sao Xa, nguồn nước của nó rất trong và giàu khoáng chất. |
Cùng với hoạt động sản xuất, làng nghề Sinh Dược đang kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái với các hoạt động làm tranh nghệ thuật từ lá bồ đề, tắm ngâm khoáng nóng thảo dược, xoa bóp massage, ẩm thực, thăm cánh đồng dược liệu… Nếu bạn muốn được tắm mình trong không gian trong lành, tận hưởng hương thơm của loài cây thuốc và khám phá, tìm hiểu những điều thú vị về công dụng của các cây thuốc, bài thuốc cổ truyền cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc của địa phương thì hãy về với làng nghề Sinh Dược. |
Thực tế, trên cả nước có rất nhiều làng nghề thêu nổi tiếng, như: Quất Động, Thắng Lợi, Phú Xuyên (Hà Nội); Minh Lãng (Thái Bình); Thanh Hà (Hà Nam); Kim Long, Thuận Lộc (Huế) hay Bảo Lộc (Lâm Đồng)… nhưng có lẽ duy chỉ có những người thợ ở Văn Lâm mới nắm giữ, tiếp thu, sáng tạo lên mức đỉnh cao nghệ thuật thêu ren, rua phương Tây, tạo nên sự độc đáo trong những sản phẩm của làng nghề. |
Văn Lâm là làng nghề duy nhất nắm được kỹ nghệ rút sợi và đan trên sợi. Có nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành của nghề thêu ren, rua ở Văn Lâm. Tương truyền, vào thế kỉ XIII, khi nhà Trần chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược đã rút về phủ Trường Yên, lập nên Hành cung Vũ Lâm. Khi đó, bà Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy cho người dân làng Văn Lâm nghề thêu ren cung đình để phục vụ nhu cầu về trang phục, vải vóc cho hoàng thất. Sau khi hoàng thất trở lại Thăng Long, người dân làng Văn Lâm vẫn duy trì nghề thêu để phục vụ các nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của địa phương và tiếp tục cung cấp vải vóc, trang phục cho cung đình. |
Một ghi chép khác thì cho biết, đầu thế kỉ XX, trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp ở Việt Nam, người Pháp đã tranh thủ đội ngũ thợ thêu truyền thống người Việt để sản xuất ra các sản phẩm thêu ren phục vụ nhu cầu của giới thượng lưu Pháp cũng như châu Âu. Đội ngũ thợ thêu làng Văn Lâm lúc bấy giờ cũng không nằm ngoài thời cuộc. Thời gian này, nhà Nho nghèo Đinh Kim Tuyến đã bán hết đất đai, nhà cửa để có tiền cho 2 trong số 5 người con của mình là ông Đinh Xuân Hênh và ông Đinh Xuân Xoang, lúc đó là các thanh niên tuổi mười chín, đôi mươi xin ra Hà Đông học nâng cao nghề thêu ren, rua. Vốn giỏi nghề truyền thống từ làng, hai anh em học nghề rất nhanh và thêu rất đẹp. Sau đó, 2 ông về làng và truyền dạy những kĩ thuật mới học được cho bà con. Không lâu sau, đội ngũ thợ thêu ở Văn Lâm đã thành thạo kĩ thuật thêu ren, rua mới, với chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp. Các sản phẩm thêu ren của người thợ Văn Lâm nhanh chóng được thị trường đón nhận, xuất khẩu sang Pháp, được trưng bày tại các hội chợ, triển lãm do Pháp mở tại Hà Nội, Sài Gòn, Paris. Sản phẩm và thợ thêu ren Văn Lâm được Chính phủ Pháp phong tặng Cửu phẩm. Ông Chu Quốc Động (thôn Văn Lâm) một nghệ nhân cao tuổi của làng nghề tự hào khẳng định: Để nắm bắt được kỹ thuật thêu thì chỉ cần một vài năm, nhưng riêng kỹ thuật rua, ren thì cần cả chục năm vì nó rất khó. Các mẫu ren, rua chủ yếu ứng dụng trên các sản phẩm có kích thước không quá lớn, lại thêu trên mặt hàng trắng, bằng chỉ trắng, nên người thợ phải có cảm quan, kĩ nghệ rất cao cả về mặt tạo mẫu cũng như thêu thì mới có thể làm nổi bật lên được. |
Cũng theo ông Động, khi tiếp thu kỹ thuật ren, rua từ người Pháp thì chỉ có một vài kiểu cơ bản như rua Y, rua chữ V, rua nhện, rua Nhật Bản, hoa cúc dây, hoa chanh dây, nhưng trong quá trình làm, bằng sức sáng tạo của mình, các nghệ nhân làng Văn Lâm đã sáng tạo ra muôn vàn kiểu rua khác nhau vô cùng độc đáo và đẹp mắt như: rua con rùa, rua xương cá, rua hoa dâu, rua gọng vó, rua đếm hạt, rua gạt sợi, rua mấu, rua mặt sàng, rua quấn… Có lẽ, chính nhờ những điểm khác biệt này đã khiến các sản phẩm thêu ren, rua ở Văn Lâm chinh phục được nhóm đối tượng khách hàng cao cấp, yêu thích sự nhẹ nhàng, tinh tế, giản dị. Mặc thời gian thoi đưa, nghề thêu ren, rua vẫn được người dân làng Văn Lâm giữ gìn, hầu như già, trẻ, gái, trai ở trong làng đều biết thêu. Các kỹ thuật thêu ren, rua giờ đây được ứng dụng trên nhiều sản phẩm khác nhau, từ ga, gối, khăn trải bàn, tấm lót cốc, chén, lọ hoa, váy, áo, khăn, mũ, túi xách, đồ trang trí… Ngoài phục vụ khách du lịch, các sản phẩm thêu ren, rua ở đây còn được xuất khẩu. Việc đưa vào sản phẩm thêu ren, rua những hình ảnh quen thuộc của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam như biểu tượng của rồng, phượng cao quý; các loại hoa dân dã như hoa chanh, hoa dâu, hoa thị; cuộc sống thường ngày như cấy lúa, gặt lúa, chăn trâu cắt cỏ… giúp chuyên chở, truyền tải, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. |
Thực tế, không chỉ có Văn Lâm, Sinh Dược, trong lòng Di sản Tràng An còn nhiều nghề, làng nghề nổi tiếng khác như: Nghề làm đá mỹ nghệ Ninh Vân; nghề thợ xây, thợ ngõa Trường Yên, nghề nấu rượu… Trải qua lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, các làng không chỉ lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội… |
Theo các chuyên gia, làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đầy triển vọng, được nhiều quốc gia trong khu vực ứng dụng từ lâu và họ đã rất thành công trong việc vừa bảo tồn được các làng nghề, vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác. Làng nghề làm đa dạng sản phẩm du lịch và làm tăng nguồn thu cho ngành du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của nghệ nhân làng nghề và hỗ trợ "xuất khẩu tại chỗ", giải quyết đầu ra cho sản phẩm. |
Chính bởi vậy, gắn kết các làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch là điều chúng ta cần phải làm sớm. Trước mắt, phải đẩy mạnh việc bảo tồn những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tại các làng nghề; trong làng cần có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề và có người am hiểu nghề, hiểu biết sâu sắc về phong tục và văn hóa làng để giới thiệu cho khách du lịch. Du khách đến với làng nghề sẽ được trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, như trực tiếp tham gia một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề, mua sắm, thưởng ngoạn cảnh quan. Chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức những chợ làng nghề, những trung tâm trải nghiệm để quảng bá và thu hút người dân đô thị, du khách trong nước và khách du lịch quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, điểm lưu ý là cần đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện nước, cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở làng nghề. Nên chọn một số làng nghề truyền thống đã được công nhận, gần các khu, điểm du lịch để thí điểm làm trước. |