Với nhiều người Ninh Bình, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh là địa điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn liền với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Bà Lê Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ dân phố Trần Kiên, phường Thanh Bình chia sẻ: Phố Trần Kiên chúng tôi ở gần Trung tâm văn hóa tỉnh nên người dân trong phố có cơ hội được thưởng thức, tham gia nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật. Vào mỗi dịp ngày lễ, kỷ niệm quan trọng hay dịp chào năm mới, các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng được tỉnh, thành phố tổ chức thu hút đông đảo người dân tham gia. |
Theo báo cáo của ngành Văn hóa, thực chất tên gọi "Trung tâm Văn hóa tỉnh" là theo tên đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao và chưa từng được đặt tên công trình công cộng theo quy định. Ngoài chức năng là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, nơi đây còn là trụ sở làm việc của các đơn vị: Nhà hát Chèo Ninh Bình, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng. Sau nhiều năm hoạt động, công trình có nhiều hạng mục xuống cấp, không xứng tầm là công trình văn hóa tiêu biểu của thành phố và của tỉnh. . |
Tháng 7/2021, công trình được khởi công xây dựng, là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tính văn hóa, tạo điểm nhấn đô thị. Công trình chia làm 3 khối với tổng diện tích xây dựng khoảng 2.856 m2 , tổng diện tích sàn gần 8.500 m2 với cơ sở vật chất hiện đại. Công trình được hoàn thành và được tổ chức khánh thành vào tháng 4/2024. Từ khi đi vào hoạt động ở diện mạo mới, Nhà hát tỉnh thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, các hoạt động luyện tập yoga, dân vũ cũng được nhiều câu lạc bộ thể thao lựa chọn đến để biểu diễn, ghi hình. Công trình Nhà hát còn thu hút cả khách du lịch đến check in, chụp ảnh. Hình ảnh Nhà hát tỉnh đã xuất hiện nhiều trên các báo điện tử, các trang mạng xã hội, trở thành địa điểm được nhiều người tìm kiếm khi về Ninh Bình. |
Ông Nguyễn Ngọc Thuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Nhà hát Phạm Thị Trân là công trình xây dựng mới, là điểm nhấn nổi bật về mặt kiến trúc cảnh quan đô thị. Từ khi Nhà hát đi vào hoạt động, đã diễn ra nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, các sự kiện quan trọng của tỉnh như: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố Ninh Bình, chương trình hòa nhạc hữu nghị Ninh Bình - Saiki năm 2024. |
Tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XV vừa qua, Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 của HĐND tỉnh về việc đặt tên công trình công cộng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình đã được các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua. Theo đó, Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình được đặt tên là Nhà hát Phạm Thị Trân. Việc đặt tên cho công trình công cộng Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình có ý nghĩa quan trọng, góp phần hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản trong nước và quốc tế. |
Nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh bày tỏ suy nghĩ: Việc đặt tên công trình công cộng Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình là Nhà hát Phạm Thị Trân là hoàn toàn xứng danh bởi tên bà đã được lịch sử ghi nhận, là bà tổ của ngành hát, ngành diễn xướng mang màu sắc văn hóa dân tộc Việt Nam mà nghệ thuật chèo là tiêu biểu. |
Cạnh Nhà hát chèo Ninh Bình trước đây, ngôi đền Vân Thị - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh luôn là địa chỉ để các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát đến dâng hương, tri ân nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn trong lịch sử dân tộc, đã được sử sách và Nhân dân ghi nhận - đó là Ưu bà Phạm Thị Trân - một danh nhân thời Đinh. |
Ngày 12/8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của Bà, được lấy là ngày giỗ tổ chèo. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 12/8 âm lịch hàng năm là "Ngày Sân khấu Việt Nam" theo Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 1/1/2011. Với tập thể cán bộ, diễn viên Nhà hát Chèo Ninh Bình, mỗi dịp giỗ tổ chèo, không chỉ dâng hương, tưởng nhớ và tri ân bà tổ của nghệ thuật chèo, Nhà hát còn tổ chức các buổi biểu diễn tại đền, tham gia hoạt động ngoại khóa tại Trường THCS Trương Hán Siêu nằm ngay cạnh đền để giới thiệu, truyền đạt các làn điệu chèo cho các em học sinh. |
Theo các tư liệu, thư tịch cổ như: "Đả cố lục" (nghĩa là "Phép đánh trống") và "Dư địa chí Hải Dương - phần nhân vật chí", có ghi rằng: Huyền nữ Phạm Thị Trân sinh năm 926, mất năm 976, người Hồng Châu (tỉnh Hải Dương ngày nay), là người giỏi hát, múa và làm trò nổi tiếng trong đám hý phường. Bà nổi tiếng là người xinh đẹp, tài sắc, có tài hát múa và được Vua Đinh Tiên Hoàng triệu vời về kinh đô Hoa Lư, dạy cung nữ múa hát, đánh trống, gảy đàn (bấy giờ gọi là hát nhời hay hát chèo) để phục vụ trong cung đình. Sau đó bà được Vua Đinh giao cho dạy hát, múa và tổ chức các nhóm hát (tiền thân gánh hát sau này) phục vụ trong quân đội và trong nhân dân. |
Với những đóng góp lớn lao của bà cho sự nghiệp đưa ca múa, diễn xướng sân khấu dân gian, phục vụ không chỉ cung đình Hoa Lư, khích lệ quân đội, mà còn phục vụ rộng rãi trong nhân dân, bà được Vua Đinh Tiên Hoàng phong chức "Ưu Bà". Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được phong làm quan trong thời đại phong kiến ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật chèo, tuồng và giới hoạt động trong hai ngành sân khấu tuồng, chèo tôn vinh bà là Tổ làng Chèo và Tổ Sân khấu Việt Nam. Kinh đô Hoa Lư xưa và Ninh Bình nay được coi là cái nôi của nghệ thuật hát và biểu diễn chèo, mà Ưu bà Phạm Thị Trân là Tổ nghề Chèo Việt Nam. |