Một trong những biểu tượng cao đẹp của quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào tự ngàn xưa còn hiện hữu trên đất Ninh Bình, đó là Đền thờ công chúa Nhồi Hoa (công chúa nước Lào) - hay còn gọi là đền Thượng ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan).
Đây là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ phụng một công chúa người nước ngoài. Theo sử sách ghi lại: Vào thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông, có công chúa nước Lào (phiên âm tiếng Việt là Nhồi Hoa) đã theo lệnh vua cha đưa sang và huấn luyện một đàn voi cho Đại Việt đánh giặc ngoại xâm. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về, không may công chúa Nhồi Hoa lâm bệnh và qua đời tại khu vực đồi Đền. Tưởng nhớ nghĩa tình và công ơn của công chúa, vua Lê Thánh Tông đã cho quân về xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ công chúa ngay tại khu vực đồi Đền.
Sau năm 1975, Việt Nam và Lào đã giành được độc lập, sự hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ. Năm 1977, Việt Nam và Lào ký Hiệp ước hữu nghị nâng tầm quan hệ ngoại giao của hai quốc gia lên giai đoạn mới.
Từ năm 1977 - 1987, tình hình trong nước Lào diễn biến phức tạp, kẻ địch tập trung chống phá cách mạng nước bạn. Hai Đảng, hai Nhà nước đã thỏa thuận cử một số đơn vị chủ lực trở lại đất Lào tham gia phối hợp lực lượng vũ trang nước bạn để truy quét tàn quân địch do bọn phản động bên ngoài hỗ trợ, bảo vệ chính quyền từ Trung ương tới cơ sở của Lào.
Với tình cảm quốc tế cao cả, trong sáng và thủy chung với đất nước láng giềng anh em, nhiều người con ưu tú của quê hương Ninh Bình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung một lần nữa đến với đất nước Lào, giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
Ông Lê Văn Đường (quê xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, hiện là Trưởng Ban liên lạc Hội đồng ngũ Binh đoàn 678 Hà Nam Ninh) là một trong những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào nhớ lại: Cách đây 44 năm (năm 1980), cũng như bao thanh niên đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi vừa mới rời ghế nhà trường với bao ấp ủ, hoài bão của tuổi trẻ, cùng những dự định dựng xây tương lai trên quê hương, đất nước, song nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Nhà nước, Quân đội, tôi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ với tinh thần kiên định sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.
Sau một thời gian huấn luyện ở Nho Quan, chiến sĩ Lê Văn Đường được cử đi đào tạo lái xe ở Quân khu 3. Cuối năm 1981, khi vừa tốt nghiệp khóa đào tạo lái xe, chiến sĩ Lê Văn Đường được biên chế trong đội hình Đại đội 16, Trung đoàn 176 thuộc Binh đoàn 678 và được lệnh hành quân sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Điểm xuất phát ở Việt Nam là từ Hương Sơn (Hà Tĩnh), sau 1 tháng đi bộ hành quân liên tục, đơn vị đã đến được Nậm-Thon (Lào). Trung đoàn 176 được giao nhiệm vụ chốt và bảo vệ tuyến biên giới các tỉnh miền Trung Lào, gần 200 km dọc sông Mêkông.
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng với cựu chiến binh Lê Văn Đường, những năm tháng cùng chung chiến hào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" với bộ đội Lào vẫn luôn là khoảng thời gian vô cùng đáng quý và luôn đậm sâu trong ký ức.
Một trong những trận đánh mà cựu chiến binh Lê Văn Đường vẫn còn nhớ mãi, đó là vào khoảng đầu năm 1984, đơn vị của ông được lệnh làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Sa-văn-na-khệt đi khảo sát địa hình tác chiến. Hôm đó, trên đường đi khảo sát, Đoàn công tác tỉnh Sa-văn-na-khệt đã bị bọn phỉ Vàng Pao mai phục. Với lực lượng đông, lại thông thổ địa bàn, bọn phỉ hung hãn nổ súng tấn công Đoàn công tác. Song, với sự mưu trí, dũng cảm của Quân tình nguyện Việt Nam và LLVT Lào, sau nhiều giờ chiến đấu, bọn phỉ Vàng Pao đã phải rút lui, đơn vị của ông Đường cùng với các lực lượng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ an toàn cho Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Sa-văn-na-khệt.
Cựu chiến binh Lê Văn Đường xúc động nói: Trong trận chiến đó, 1 vị lãnh đạo của tỉnh Sa-văn-na-khệt bị thương ở chân, nhưng cũng đã được đơn vị nhanh chóng chuyển về Viên Chăn dưỡng thương an toàn. 16 chiến sĩ quân tình nguyện của Việt Nam và bộ đội Lào bị thương, hi sinh…, máu của bộ đội Việt-Lào hòa quyện với nhau cùng sống chết với giặc cho đến giây phút cuối cùng".
Chiến trường Lào những năm 1980 trong ký ức của cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam thuộc đội hình Binh đoàn 678 là những tháng ngày gian khổ lội suối, băng rừng và luôn phải đối mặt với những hiểm nguy đến từ bọn phản động chống phá cách mạng Lào. Song ở đó vẫn luôn có những câu chuyện đầy nghĩa tình, thắm đượm tình đoàn kết.
Cựu chiến binh Trần Văn Lanh ở thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư) là một trong số quân tình nguyện Việt Nam tại Lào chia sẻ: Năm 1980, tôi nhập ngũ, sau 2 tháng huấn luyện tại Việt Nam, tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 176, Binh đoàn 678 và trực tiếp tham gia chiến đấu tại tỉnh Bô-ly-khăm-xay.
Khi mới đặt chân trên đất nước bạn Lào, trong tâm tư của tôi và nhiều anh lính trẻ thời ấy là nỗi nhớ nhà da diết, cùng nỗi niềm không được trực tiếp đánh giặc trên quê hương. Tuy nhiên, lời dặn dò của Bác Hồ: "Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình" luôn là phương châm hành động của mỗi người lính Quân tình nguyện Việt Nam. Vì vậy, ai cũng nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm nỗ lực chiến đấu ở mức cao nhất để cùng với bộ đội và nhân dân Lào sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
Gợi lại những năm tháng kề vai, sát cánh, đồng cam, cộng khổ trên đất bạn Lào, ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ chắc tay súng như ùa về trong tâm khảm các CCB quân tình nguyện Việt Nam. CCB Trần Văn Lanh nhấn mạnh: Tôi cũng như nhiều chiến sĩ quê Ninh Bình được giao nhiệm vụ làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào luôn cảm thấy rất tự hào và không ngừng nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, với động cơ chiến đấu duy nhất là tình yêu nước, tinh thần quốc tế cao cả, thủy chung, vô tư, trong sáng, góp phần tô thắm truyền thống của những người con Cố đô Hoa Lư anh hùng.
Sau chiến tranh, những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào trở về quê hương với đầy ắp kỷ niệm, những tình cảm thân thiết dành cho người mẹ, người em, đồng đội Lào. Song cũng có rất nhiều người đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại trên đất nước Triệu Voi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm thương đau của đồng đội.
Năm tháng sẽ qua đi nhưng thắng lợi to lớn của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt của quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi là bản hùng ca bất diệt, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trở thành chân lý của sức mạnh đoàn kết quốc tế. Đóng góp vào thành tựu chung đó có máu xương, mồ hôi của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam nói chung, Quân tình nguyện và chuyên gia đến từ vùng đất Cố đô Hoa Lư nói riêng. Đó cũng là nền tảng vững chắc để hai nước Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Ninh Bình với các địa phương của Lào nói riêng tiếp tục sánh vai, đồng hành phát triển.
Đón đọc kỳ 2: Trọn nghĩa tri ân, vẹn tình hữu nghị.