Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới của UNESCO hay còn gọi là Công ước Di sản Thế giới, là Công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới dựa trên các cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Trong hơn 50 năm qua, Công ước đã chứng tỏ là một trong những Công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị toàn cầu, với 195 quốc gia thành viên và 1.199 di sản thế giới. Công ước Di sản Thế giới đã trở thành nền tảng để phát triển và thử nghiệm các phương pháp tiếp cận mới, cho thấy tầm quan trọng của di sản văn hóa và thiên nhiên đối với phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Trọng tâm của Công ước là bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của các di sản thế giới, tài sản chung của nhân loại, phát huy giá trị phục vụ phát triển bền vững và trao truyền cho các thế hệ tương lai. Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo cho rằng, các di sản thế giới đã "giúp đỡ và cải thiện sinh kế, chữa lành tổn thương và giúp phục hồi cộng đồng". Công ước Di sản Thế giới đã đi vào cuộc sống, để các di sản văn hóa và thiên nhiên đã được ghi danh trên toàn thế giới không chỉ là di tích trầm lặng mà là các di sản mang hơi thở của nhịp sống hiện hữu và phát huy giá trị trong quá trình phát triển bền vững của các quốc gia và toàn nhân loại. |
UNESCO cũng tích cực thúc đẩy việc liên kết, tạo hiệu ứng lan tỏa giữa các công ước về văn hóa của UNESCO. Gần đây, Hội nghị Naples về Di sản văn hóa trong thế kỷ 21 diễn ra vào cuối tháng 11/2023, tại Naples, Italia đã thúc đẩy sự liên kết giữa Công ước Di sản Thế giới với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. "Lời kêu gọi hành động", tuyên bố của Hội nghị nhấn mạnh 11 điểm, bao gồm: Bảo tồn di sản thông qua cách tiếp cận tổng thể, nhấn mạnh yếu tố đa dạng văn hóa, kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặt con người, cộng đồng vào trung tâm hành động; nâng cao nhận thức về mối liên kết giữa thiên nhiên và văn hóa để thúc đẩy bảo vệ môi trường, giải quyết tác động của biến đổi khí hậu; đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương; thúc đẩy giáo dục di sản, nâng cao năng lực nhằm bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau; đảm bảo tính bao trùm của xã hội, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, giới trẻ vào bảo tồn và bảo vệ di sản; thúc đẩy mối quan hệ đối tác; ủng hộ tích hợp văn hóa vào các hoạt động nhân đạo; thúc đẩy và triển khai các chính sách du lịch bền vững, trong đó ưu tiên bảo vệ di sản; khuyến khích đối thoại giữa các bên liên quan trong mọi giai đoạn của quá trình đề cử; thúc đẩy phương pháp tiếp cận khách quan, khoa học trong đánh giá các hồ sơ đề cử, nhằm nâng cao uy tín của Công ước; cung cấp hỗ trợ tăng cường cho các quốc gia thiếu sự đại diện nhằm đảm bảo danh sách di sản mang tính đại diện, cân bằng hơn, đặc biệt chú trọng đến Châu Âu và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS). Như vậy, cách tiếp cận của UNESCO vẫn nhất quán khi lấy con người làm trung tâm, đảm bảo yếu tố giới, quan tâm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong tiếp cận tổng thể về di sản văn hóa. Quần thể Danh thắng Tràng AnDi sản hỗn hợp duy nhất của Việt Nam, được ghi danh Di sản thế giới năm 2014, cũng là duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại, là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Chính quyền, Nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng. Từ đó, Ninh Bình kiên trì thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"-từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, di sản, kinh tế tuần hoàn, hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ bền vững môi trường; triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tràng An đã được tiếp cận với các tiêu chuẩn thế giới trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, là điển hình của việc thực thi Công ước Di sản Thế giới, là minh chứng cho thấy "tầm quan trọng của di sản văn hóa và thiên nhiên đối với phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng". |
Đồng thời, Tràng An cũng cho thấy sự sáng tạo trong cách tiếp cận và áp dụng các tiêu chí của UNESCO, thậm chí là đi trước, áp dụng trước, để rồi giờ đây UNESCO đã khái quát hóa cách tiếp cận đó nhằm áp dụng trên toàn cầu. Đó là bảo tồn di sản thông qua cách tiếp cận tổng thể, nhấn mạnh yếu tố đa dạng văn hóa, kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặt con người, cộng đồng vào trung tâm hành động; đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2022, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, đã bày tỏ tình cảm và ấn tượng rất tốt đẹp về Quần thể Danh thắng Tràng An-một Di sản Văn hóa và Thiên nhiên có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với bảo tồn thiên nhiên, gắn kết vai trò của phụ nữ với di sản, tìm ra sinh kế cho người dân từ di sản. Theo Tổng Giám đốc UNESCO, câu chuyện thành công của Tràng An-Ninh Bình đã truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên khác. Tràng An là điển hình của Di sản thế giới gắn với cộng đồng, vì cộng đồng, cho cộng đồng và được chính cộng đồng bảo vệ. Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, ông Koichiro Matsuura đã từng nói: "Nếu không có sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng, không có sự tôn trọng và chăm sóc hàng ngày của cộng đồng địa phương, những người thực sự gìn giữ Di sản thế giới, thì sẽ không có một nguồn ngân sách hay một đoàn chuyên gia nào đủ để bảo vệ các di sản". Như vậy, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định, tạo sự gắn bó khăng khít giữa di sản và cộng đồng là định hướng đúng đắn, di sản phải thực sự là của cộng đồng, vì cộng đồng và được chính cộng đồng bảo vệ. |
Cần có thời gian để đong đếm hết những gì mà Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã mang lại cho Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy được những kết quả cụ thể sau: Quyền thụ hưởng Di sản thế giới: Việc được công nhận là Di sản thế giới giúp Ninh Bình nâng cao danh tiếng và tăng cường sức hút du lịch. Điều này thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế và trong nước đến tham quan Tràng An, góp phần phát triển ngành du lịch và tạo ra nguồn thu kinh tế cho địa phương. Năm 2023, theo báo cáo của Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An, tổng doanh thu từ Di sản thế giới này là 5.500 tỷ đồng. Bảo vệ và bảo tồn tự nhiên: Tràng An được biết đến với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với hệ thống sông, hang động và núi đá vôi. Việc công nhận Di sản thế giới giúp tăng cường sự chú trọng và cam kết của Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình trong việc bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này. Phát triển bền vững: Việc quản lý Di sản thế giới đòi hỏi sự cân nhắc giữa việc bảo tồn và phát triển. Ninh Bình quan tâm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý du lịch và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững, nhằm đảm bảo rằng việc khai thác Di sản thế giới không gây hại cho môi trường và không làm giảm giá trị của Di sản thế giới trong tương lai. Giữ gìn và phục hồi văn hóa: Tràng An chứa đựng các di tích lịch sử, kiến trúc và văn hóa quan trọng. Việc công nhận Di sản thế giới thúc đẩy việc nghiên cứu, giữ gìn và phục hồi các di sản văn hóa này, đồng thời tăng cường nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của địa phương. |
Hiếm có di sản nào hội tụ đủ các giá trị độc đáo về địa tự nhiên-sinh thái, văn hóa lịch sử như Quần thể danh thắng Tràng An. Bên cạnh giá trị độc đáo về địa chất địa mạo, vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan đất Ninh Bình, Cố đô Hoa Lư còn là Kinh đô lừng lẫy của Nhà nước Đại Cồ Việt gắn với công cuộc dẹp loạn và dựng nước của vua Đinh Tiên Hoàng. Nơi đây được mệnh danh là kinh đô đá, có vị trí đặc biệt trong suốt quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Hoa Lư đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc, những dấu tích, di tích tại Hoa Lư, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xa xưa để lại. Trên cơ sở đó, để phát huy toàn vẹn giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của di sản, phục vụ phát triển bền vững, kết hợp giữa việc bảo tồn di sản và tạo ra lợi ích xã hội và kinh tế cho cộng đồng địa phương, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa theo các hướng sau: |
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục phát huy hơn nữa các chính sách hiệu quả hiện nay nhằm đưa Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An thật sự trở thành nguồn lực quan trọng, đặc biệt là để Ninh Bình trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh, sạch về môi trường, hội tụ đủ tiêu chí cho sự phát triển bền vững. Trong suốt chặng đường hơn 10 năm qua, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã luôn sát cánh cùng tỉnh Ninh Bình trong quá trình xây dựng, bảo vệ thành công hồ sơ đề cử, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị Di sản thế giới; chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn trong khuôn khổ hợp tác UNESCO, đón tiếp lãnh đạo UNESCO và bạn bè quốc tế. Những hoạt động này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của địa phương, đưa Tràng An-Ninh Bình trở thành hình mẫu của sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân, mà còn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác Việt Nam UNESCO, đóng góp vào nỗ lực chung của UNESCO trong thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm. |
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình gìn giữ và phát huy hiệu quả danh hiệu Di sản thế giới, để Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản như nhận xét của lãnh đạo UNESCO, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO |