Không phải ngẫu nhiên Ninh Bình được vinh danh là điểm đến thân thiện nhất thế giới, điểm du lịch hấp dẫn "bậc nhất" của du khách trong và ngoài nước. Bởi nơi đây con người, văn hóa và thiên nhiên được hòa quyện theo nghĩa nhân văn nhất thông qua hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch. Và du lịch trở thành cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương ra thế giới và thu hút du khách quốc tế đến với các quốc gia, địa phương thông qua du lịch. |
Tràng An vào mùa hạ rực rỡ với sắc vàng trải dài trên cánh đồng lúa chín men theo những dòng sông êm ả. Cái nắng gắt gao của miền quê bắc bộ khi vào mùa gặt cũng không làm vơi bớt sức hấp dẫn với du khách quốc tế. Kể từ khi thành di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An mỗi năm đón hàng vạn du khách trong và ngoài nước. |
Du khách khi tới miền di sản không chỉ quyến luyến bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự tích tụ của các trầm tích văn hóa mà còn say lòng bởi những con người hiền hậu, thật thà, chất phát. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Loan, chủ homestay Chez Loan người con gái sinh ra từ vùng quê nghèo Ninh Hải trở thành "đại sứ du lịch" đã không còn mới mẻ với người dân nơi đây. |
Ngược dòng thời gian hơn 30 năm trước, khi ấy Tam Cốc-Bích Động của Ninh Bình mới chỉ được cộng đồng người Pháp biết đến qua bộ phim nổi tiếng "Indochine" (Đông Dương) của đạo diễn Régis Wargnier người Pháp, có bối cảnh quay ở Tam Cốc, Ninh Bình giai đoạn 1920 - 1950. Bộ phim đã đạt giải Oscar cho hạng mục phim ngoại ngữ hay nhất năm 1992. Sau bộ phim đó, Ninh Bình bắt đầu đón nhiều hơn những du khách nước ngoài. Họ tìm đến đây để được ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và tìm hiểu về một nền văn hóa đặc trưng của Việt Nam, vô tình đã vẽ nên những nét ký họa đầu tiên về du lịch ở mảnh đất này. |
Thế nên ngày ấy ở Ninh Hải nhà nào cũng có người tham gia chở đò, làm thêu và bán hàng lưu niệm cho khách du lịch. Nhiều gia đình nhờ có du lịch mà "đổi đời". Chị Nguyễn Thị Loan, cũng là một trong những người may mắn ấy. Chị kể lại: "Trong một lần chở đò cho đôi vợ chồng người Pháp, khi nghe họ nói, tôi đã nhìn với ánh mắt khát khao được giao tiếp. Thấu hiểu điều đó, khi về Pháp họ đã viết cho tôi một lá thư, trong thư khuyến khích động viên tôi rất nhiều. Họ nói họ cũng có đứa con gái bằng lứa tuổi tôi, nên ngay khi gặp tôi đã có cảm tình, họ muốn được giúp đỡ tôi đi học tiếng Pháp, tiếng Anh hướng dẫn tôi làm dịch vụ homestay và nhận tôi là con gái nuôi". Chính lá thư định mệnh ấy chị Loan từ cô lái đò chân chất đã bén duyên với nghề du lịch và trở thành bà chủ của hệ thống homestay Chez Loan không chỉ ở Ninh Bình mà còn một số tỉnh thành khác trong nước. |
Tri ân những tìm cảm của "bố mẹ nuôi" dành cho mình, chị Loan đã giúp đỡ nhiều người dân ở Ninh Hải làm du lịch. Từ những người đầu tiên làm dịch vụ homestay như chị, đến nay chỉ tính riêng trên địa bàn xã Ninh Hải đã có vài trăm gia đình đang kinh doanh loại hình dịch vụ này. Cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế của Ninh Hải đã nghiêng hẳn về du lịch. Nhưng mong muốn của chị Loan không chỉ dừng lại ở việc giúp cộng đồng mình cùng làm giầu mà chị luôn muốn được làm "nhịp cầu nối những miền văn hóa". Chính vì vậy, từ đầu những năm 2000 chị đã mở văn phòng đại diện tại Pháp để quảng bá giới thiệu về du lịch Ninh Bình cũng như Việt Nam. Bên cạnh đó, chị Loan là "địa chỉ đỏ" hỗ trợ những du khách Pháp khi sang Việt Nam. Chị trở thành "sứ giả" truyền thông điệp về sự thân thiện mến khách của du lịch Ninh Bình đến bạn bè năm châu. Du lịch không chỉ làm thay đổi cuộc sống của một miền quê nghèo mà còn giúp những người dân nông thôn được học hỏi thêm nhiều kiến thức và trở nên văn minh hơn. Vì vậy trong hành trình của mình, chị Loan luôn nỗ lực hỗ trợ lớp trẻ ở địa phương học thêm ngoại ngữ, thông qua các câu chuyện làm du lịch của mình chị đã giáo dục cho lớp trẻ về ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan để phát triển du lịch bền vững. |
Các cụ cao niên của xã Sơn Hà, huyện Nho Quan kể lại rằng trước kia người Mường bản Thổ Hà cư trú ở vùng trũng nhất của xã, quanh năm lụt lội không thể canh tác được nên cái nghèo truyền kiếp. Không chịu nổi cảnh đói nghèo, người Mường Thổ Hà đã phải dắt díu nhau lên khai hoang ở vùng đồi cao của xã Quảng Lạc ngày nay. Từ đó về sau họ còn lập lời nguyền rằng "con cháu muốn khá nhất định phải bỏ xứ mà đi". |
Đời này qua đời khác người Mường Thổ Hà răn bảo nhau như thế và chỉ đến khi ông Hà Huy Lợi, giám đốc khu du lịch Động Thiên Hà, người được ưu ái gọi tên là "cha đẻ của du lịch cộng đồng ở Ninh Bình" khai phá ra được tiềm năng của vùng đất này thì lời nguyền ấy mới được phá bỏ. Khi bắt tay vào làm du lịch nhiều người nói ông Lợi gàn dở, đâm đầu vào chốn bùn lầy. Để rồi chính từ trong đám sình lầy ấy, ông Lợi cùng với người dân xây dựng các mô hình Du khảo đồng quê, Một ngày làm nông dân… để đón khách du lịch. Đặc biệt, họ đã cùng nhau phát hiện ra động Thiên Hà, động Thiên Thanh, những di sản thiên nhiên nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An. Cùng với cộng đồng làm nên một miền di sản mang đậm màu sắc văn hóa bản địa như quần thể du lịch động Thiên Hà hôm nay. |
Khởi điểm bằng những mô hình du lịch cộng đồng, hệ sinh thái du lịch nông thôn ở xã Sơn Hà bây giờ là một quần thể rộng hơn 70 ha, trong đó có hơn 40 ha nằm trong vùng lõi danh thắng Tràng An. Những người Mường Thổ Hà ngày nào rời quê đã trở lại cùng nhau cải tạo nhà làm nơi lưu trú phục vụ khách, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch, khôi phục lại các đội văn nghệ, cùng nhau học tập từ những thứ đơn giản nhất là nụ cười để đón du khách đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Đến nay, đã có khoảng 60 hộ tham gia làm nghề chèo thuyền, dẫn du khách, 20 hộ có người cùng du khách trải nghiệm và 10 gia đình làm cơ sở đón du khách. |
Chỉ cách đây mấy tháng bản Mường Thổ Hà vinh dự đón ngài Đại sứ Thụy Sỹ cùng hơn 20 thành viên trong đoàn đến đây du lịch trải nghiệm nghề trồng lúa và trực tiếp đặt hàng để cùng với nông dân làm cốm. Trước đó nữa là đoàn Đại sứ Mỹ, Đại sứ Nhật Bản… đến trải nghiệm trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tham gia các sinh hoạt cùng gia đình người dân nơi đây cùng nấu cơm, cùng thức giấc bởi tiếng gà gáy sáng. Cuộc sống nơi thôn quê đã tạo nên những nét văn hóa truyền thống để lại ấn tượng với du khách quốc tế, điều này cũng đồng nghĩa những nụ cười ngày một nhiều hơn trên khuôn mặt mỗi người dân Thổ Hà. Giờ đây người Thổ Hà không chỉ liên kết dẫn khách trải nghiệm trong bản, trong xã mà còn kết hợp với cộng đồng khác để níu chân du khách ở lại lâu hơn với nơi này. |
Ninh Bình được ví như một Việt Nam thu nhỏ với cảnh quan đa dạng về rừng, núi, sông, biển, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia và di sản văn hóa thế giới. Nơi đây nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và di sản, bao gồm Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng - Cồn Nổi (Kim Sơn), khu Ramsar thế giới - đầm Vân Long,... |
Trong lần đến thăm Tràng An, Ninh Bình (tháng 4/2024), bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 đã nói: "Thật ra thì tôi không được nhìn thấy Tràng An 10 năm trước nhưng mà tôi đã được nghe từ những đồng nghiệp của tôi ở UNESCO, họ là những chuyên gia từng đến đây công tác. Và khi được trải nghiệm tại đây, tôi thực sự cảm thấy vui và ấn tượng với sự thân thiện, nhiệt tình của những người dân. Họ được hưởng lợi từ du lịch và đang làm du lịch ngày một tốt hơn từ nét văn hóa bản địa". |
Dấu ấn và hình ảnh Ninh Bình còn được lan tỏa và ghi nhận thông qua việc tổ chức thành công hàng loạt các sự kiện ngoại giao, văn hóa như: Tháng 9/2022, Ninh Bình vinh dự được lựa chọn là nơi đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Sự kiện thể hiện vai trò đóng góp, trách nhiệm của Ninh Bình cùng cộng đồng quốc tế giữ gìn và bảo tồn di sản. Hàng loạt các sự kiện về văn hóa du lịch như lễ hội Tràng An, Tuần Du lịch Ninh Bình, Tour du lịch "Về nguồn", Festivel Tràng An- Kết nối di sản... với sự tham gia của Nhân dân đã làm nên thương hiệu của Ninh Bình, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước. |
Với mong muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế cả về những giá trị cảnh quan tự nhiên, nét đẹp về văn hóa, con người Ninh Bình, thời gian qua tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân địa phương về văn hóa, văn minh du lịch theo phương châm "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch". |
Để mỗi "người dân là một đại sứ du lịch" thì không đơn thuần là thể hiện ở những lời chào mời niềm nở, sự đón tiếp nhiệt tình với khách du lịch, mà còn chu đáo ở tất cả các khâu, như: bảo đảm an ninh, an toàn; không chèo kéo, ép khách mua hàng, chụp ảnh, cùng những hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên hơn. Đặc biệt là tích cực tham gia gìn giữ và giới thiệu, quảng bá điểm đến, các nét đẹp văn hóa truyền thống, từ các diễn tích, trò chơi dân gian, đến các lễ hội truyền thống… cho đông đảo du khách mỗi khi đến với Ninh Bình. |
Chị Đào Hải Yến, du khách đến từ Nam Định nhận xét: "Đến Ninh Bình từ bác bảo vệ, cô lái đò, chị hướng dẫn viên hay bác lao công,… ai ai cũng đều thật thà, nhiệt tình, dễ mến". Những nhận xét này hoàn toàn dễ hiểu khi ở Ninh Bình không thiếu những người bảo vệ tận tình hướng dẫn, chỉ đường cho du khách hay những cô lái đò nhặt được tài sản quý giá trả lại người đánh rơi; nơi đây cũng chẳng thiếu những bác nông dân dù đang chân lấm tay bùn cũng sẵn sàng hỗ trợ sửa xe, chở đồ dù họ vốn gặp rào cản về ngoại ngữ. Có thể nói, mỗi người dân nơi đây như một nhịp cầu, một "sứ giả" mang thông điệp hòa bình, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài những kiến thức về văn hóa, đất nước, con người, ẩm thực,… họ chính là những "đại sứ" du lịch giúp gắn kết và chia sẻ, mang lại những điều bất ngờ, thú vị, giúp du khách nước ngoài được trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới với vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. |
(Đón đọc Kỳ 3: Lan tỏa thông điệp về hòa bình và hợp tác)