Bên cạnh phí phát hành và phí thường niên, người dùng còn cần thanh toán thêm các khoản phí khác khi sử dụng thẻ tín dụng như phí rút tiền mặt, phí hủy thẻ, phí cấp lại thẻ, phí chuyển đổi tín dụng… Cùng tham khảo quy định cho từng loại phí của thẻ tín dụng trong bài viết bên dưới để bỏ túi nhiều thông tin hữu ích.
1. Phí phát hành
Đây là khoản phí bạn phải trả một lần khi đăng ký làm thẻ credit card (tên tiếng Anh của thẻ tín dụng) mới. Phí này dùng để chi trả cho các chi phí liên quan đến việc sản xuất thẻ, xác minh thông tin khách hàng và các thủ tục hành chính khác. Thông thường, mức phí này sẽ dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy thuộc vào loại thẻ và ngân hàng phát hành. Hiện nay, một số ngân hàng đã áp dụng chính sách miễn phí phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng.
2. Phí thường niên
Phí thường niên là khoản phí chủ thẻ phải trả hàng năm để duy trì các dịch vụ và tiện ích của thẻ. Mức phí này có thể dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/năm, tùy thuộc vào loại thẻ, ngân hàng phát hành và các đặc quyền đi kèm. Loại phí này sẽ được ngân hàng thu định kỳ mỗi năm vào một khoảng thời gian nhất định cho đến khi chủ thẻ ngưng sử dụng hoặc thẻ hết thời hạn.
Tương tự phí phát hành, một số ngân hàng hiện nay đã áp dụng chính sách miễn phí thường niên hoặc hoàn phí khi đạt mức chi tiêu nhất định. Để kiểm tra thẻ bạn sắp mở có miễn phí thường niên hay không, ngoài tìm hiểu điều kiện mở thẻ tín dụng, hãy tra cứu chính sách phí sử dụng thẻ tín dụng trên website ngân hàng.
Phí thường niên thường có mức thu cao nhất trong biểu phí của thẻ tín dụng.
3. Phí chậm thanh toán
Phí chậm thanh toán là khoản phí mà ngân hàng áp dụng khi chủ thẻ không thanh toán số tiền tối thiểu hoặc toàn bộ số tiền phải thanh toán trong kỳ sao kê. Thông thường, phí phạt trả chậm khoảng 5% trên tổng dư nợ (tối thiểu 100,000 VND, tùy theo quy định của từng ngân hàng).
Mức phí chậm thanh toán dư nợ tín dụng đầy đủ đúng hạn thường khoảng 5%/tổng số tiền cần thanh toán.
4. Phí rút tiền mặt
Thẻ tín dụng cho phép khách hàng rút tiền mặt để giải quyết khó khăn trong trường hợp cần tiền cấp bách. Khác với thẻ thanh toán, khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại cây ATM, bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí gọi là phí rút tiền mặt. Thông thường, mức phí này sẽ dao động từ 2% - 4%/tổng số tiền đã rút.
Ví dụ, Nếu bạn rút 1,000,000 triệu VND, bạn có thể phải trả khoảng 20,000 đến 40,000 VND phí rút tiền.
5. Phí cấp lại thẻ tín dụng
Khi thẻ tín dụng của bạn bị mất, hỏng hoặc hết hạn sử dụng, bạn sẽ cần phải yêu cầu ngân hàng cấp lại một chiếc thẻ mới. Phí cấp lại thẻ tín dụng chính là khoản tiền mà bạn phải trả cho ngân hàng để thực hiện dịch vụ này.
Mức phí cấp lại thẻ tín dụng thường dao động trong khoảng từ 100,000 - 300,000 VND/lần, tùy thuộc vào loại thẻ và chính sách của từng ngân hàng. Các thẻ tín dụng cao cấp sẽ có mức phí cấp lại cao hơn so với các loại thẻ thông thường.
Phí cấp lại thẻ tín dụng thường tương đương với phí phát hành thẻ.
6. Phí hủy thẻ tín dụng
Khi bạn cảm thấy không còn nhu cầu sử dụng thẻ hoặc muốn chuyển sang loại thẻ khác, bạn có thể yêu cầu ngân hàng hủy thẻ. Khoản phí này thường dao động từ 0 - 500,000 VND và có thể thay đổi tùy thuộc vào từng ngân hàng và loại thẻ.
7. Phí chuyển đổi ngoại tệ
Phí chuyển đổi ngoại tệ là khoản phí mà người dùng thẻ tín dụng phải thanh toán khi thực hiện giao dịch bằng một loại tiền tệ khác với loại tiền tệ được sử dụng trong tài khoản của họ. Ví dụ, nếu bạn có một thẻ tín dụng đồng Việt Nam (VND) nhưng lại sử dụng để thanh toán một món hàng ở Mỹ (dùng USD), bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí chuyển đổi.
Thông thường, mức phí này sẽ dao động từ 1% - 3%/tổng số tiền của mỗi giao dịch. Ngoài ra, một số ngân hàng có thể áp dụng tỷ giá hối đoái riêng, có thể cao hơn tỷ giá thị trường.
Phí chuyển đổi ngoại tệ thẻ tín dụng của các ngân hàng thường dao động trong mức 2% - 3%/tổng số tiền giao dịch.
Có thể thấy, bên cạnh nhiều tiện ích và ưu đãi hấp dẫn, thẻ tín dụng cũng đi kèm với rất nhiều khoản chi phí phát sinh. Do đó, để trở thành một người tiêu dùng thông minh, bạn cần hiểu rõ về các loại phí kể trên để lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tránh được những chi phí không cần thiết và tận dụng tối đa lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại.