Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 10-12/2024, bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 4,5 cơn).

Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh, thành phố phía Nam; đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Cùng với đó, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11-12/2024. Hiện tượng rét đậm ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 và tương đương so với trung bình nhiều năm.
Hiện nay, hình thái gây mưa là khối không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung bộ đều đã suy yếu và tan đi. Vì vậy, Bắc bộ và các tỉnh miền Trung đã kết thúc đợt mưa lớn; nước lũ trên các sông sẽ xuống, vùng ngập úng cũng giảm dần. Trong 1-2 ngày tới, lũ, ngập lụt tại Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục giảm dần, sau đó biến đổi chậm.
Bên cạnh đó, gió mùa Tây Nam đang hoạt động yếu tại khu vực Nam bộ, vì thế, đến hết tháng 9/2024, Bắc bộ, miền Trung cũng như khu vực miền Nam chưa có dấu hiệu của đợt mưa lớn diện rộng. Tuy nhiên, theo tính toán và các sản phẩm dự báo cho thấy, vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2024, Bắc bộ, Trung bộ có khả năng chịu tác động của một đợt gió mùa Đông Bắc có khả năng gây mưa dông và làm nhiệt độ giảm trở lại.
Về xu hướng thời tiết của những tháng đầu năm 2025, trên khu vực Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 1-2/2025 gây rét đậm, rét hại trên diện rộng ở khu vực miền Bắc; cần đề phòng khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm sương muối, băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc bộ.
P.V