Có một "Bình Minh" như thế!
Dẫn chúng tôi đi trên con đường Lương Văn Tụy dài hơn 1km nối từ Quốc lộ 12B đến cống Nông trường, đồng chí Vũ Minh Hiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Minh tự hào "khoe": Đây là công trình điển hình của "tình quân-dân". Anh giải thích: Đường Lương Văn Tụy là trục chính của thị trấn Bình Minh chạy qua các cơ quan, trường học có ý nghĩa quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, hỗ trợ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Trước đây con đường này chỉ rộng hơn 1m đi lại khó khăn. Chủ trương mở rộng đã có từ nhiều năm trước nhưng khó khăn ở chỗ hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng không đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ có sự vào cuộc của bộ đội biên phòng vận động, giải thích, người dân đã hiểu và ủng hộ chính quyền, tự động tháo dỡ tài sản, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Con đường nhanh chóng hoàn thành rộng thênh thang 5 m mang lại bộ mặt mới khang trang cho thị trấn bãi ngang của huyện Kim Sơn.
Tuy nhiên, đây không phải là công trình duy nhất ghi dấu ấn của những người lính mang quân hàm xanh trên mảnh đất nông trường Bình Minh. Bộ đội biên phòng Kim Sơn cũng đã cùng với chính quyền địa phương vận động nhân dân chuyển đổi các mô hình kinh tế không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, tư vấn, hướng dẫn bà con tích cực áp dụng KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn... Đến nay, toàn thị trấn đã có 72 hộ tham gia nuôi thủy sản, với diện tích 97 ha, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn đến cuối năm 2019 đạt 245 tấn, giá trị đạt gần 30 tỷ đồng. Đời sống người dân Bình Minh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%, giảm 10,2% so với đầu nhiệm kỳ.
Không chỉ phát triển kinh tế, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thị trấn không còn xảy ra tình trạng tranh chấp địa bàn, trộm cắp tài sản của ngư dân... Các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Kim Sơn phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, đưa kiến thức pháp luật đến nhân dân. Qua những công việc cụ thể bộ đội giúp dân, dân gửi gắm niềm tin nơi bộ đội mà hình thành nên thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Những cánh hải âu không mỏi
Hiện nay, Đồn Biên phòng Kim Sơn được giao phụ trách, quản lý 28,5 km bờ biển và địa bàn khu vực biên giới biển gồm các xã: Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải và thị trấn Bình Minh, với gần 5.243 hộ/17.359 nhân khẩu, có 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo, trong đó tỷ lệ dân số theo đạo Công giáo chiếm khoảng 46%. Ngoài ra, đơn vị còn quản lý vùng bãi bồi từ đê Bình Minh 2 ra tới Cồn Nổi với diện tích gần 5.000 ha nuôi, trồng thủy, hải sản.
Thiếu tá Đặng Ngọc Phan, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kim Sơn trăn trở: Kim Sơn là huyện trọng điểm, đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây xảy ra tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển; hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, sử dụng thuốc nổ, xung điện khai thác thủy, hải sản hủy diệt môi trường biển, trộm cắp tài sản, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích… vẫn còn xảy ra.
Trước những khó khăn trên, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ dân ở khu vực biên giới biển. Cán bộ, chiến sỹ thường xuyên trao đổi với địa phương để lựa chọn các hộ cần phụ trách, trong đó chú trọng lựa chọn những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách; hộ gia đình tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; hộ gia đình có mối quan hệ chính trị, xã hội phức tạp, dễ bị lợi dụng kích động; hộ gia đình có người vi phạm pháp luật... để quan tâm, giúp đỡ.
Thiếu tá Phạm Văn Vịnh, người có thâm niên 26 năm công tác tại Đồn Biên phòng Kim Sơn trải lòng với chúng tôi: Trước đây, mỗi lần bão về có lệnh di dân, các lực lượng, chính quyền địa phương phải vất vả để kêu gọi tàu thuyền, đưa người dân đang khai thác, nuôi trồng thủy sản ngoài đê về nơi trú ẩn an toàn. Nhưng giờ đây, mỗi khi bão về, được bộ đội biên phòng thông báo thì người dân đã tự giác di dời về nơi trú ẩn an toàn bởi họ biết tài sản của họ đã có những người lính quân hàm xanh bảo vệ, giữ gìn. Cũng nhờ có niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân mà bộ đội biên phòng mới có thể như những cánh hải âu vượt trùng khơi bão gió để báo hiệu sự bình yên trên biển.
Đặc biệt, để làm tốt công tác quản lý địa bàn Đồn Biên phòng Kim Sơn đã kịp thời phát hiện và tham mưu cho UBND huyện Kim Sơn lập biên bản đối với hàng trăm lượt vụ việc hộ dân xây dựng nhà, trại, bể ao ươm và nuôi thủy sản trên khu vực đê Bình Minh 2 trở ra. Đồng thời, tuyên tuyền, vận động các hộ dân ký cam kết không đòi hỏi hỗ trợ đền bù đối với các công trình đã xây dựng trái phép khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn khẳng định: Việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, phát triển thành quả 190 năm khẩn hoang, lập ấp mở làng, quai đê lấn biển của ông cha và các thế hệ người Kim Sơn. Với thế mạnh của vùng bãi bồi ven biển, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 378/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ đây sẽ mở ra hướng mới để kinh tế biển Kim Sơn phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản là 4.116,6 ha, tổng sản lượng thủy, hải sản đạt 26.005 tấn, tăng 16.134 tấn so với năm 2010. Vùng nuôi, trồng thủy sản ở các xã bãi ngang, khu vực bãi bồi, đưa giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác cao nhất toàn tỉnh đạt 175 triệu đồng trên 1ha/năm, gấp 1,3 lần so với bình quân toàn tỉnh. Huyện đã phát triển một số mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản chiếm 50% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Bên cạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện Kim Sơn cũng đã xây dựng Đề án khai thác phát triển tiềm năng du lịch. Theo đó, cùng với du lịch sinh thái, du lịch biển, huyện Kim Sơn còn có hệ thống sông ngòi, đây là điều kiện cho phát triển du lịch đồng quê sinh thái trải nghiệm gắn với quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm, Đền thờ Doanh điền sứ, Tướng công Nguyễn Công Trứ, khu vực bãi biển, rừng ngập mặn kết nối để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo.
Phúc nguyên - Đào Hằng
KỲ 1: CHUYỆN VỀ NHỮNG ĐỨA CON NUÔI ĐỒN BIÊN PHÒNG
KỲ 2: NHỮNG DẤU CHÂN KHÔNG MỎI