Chiêu trò mạo danh cán bộ các cơ quan chức năng để lừa đảo đã được cảnh báo từ lâu, nhưng hiện nay lại diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Các đối tượng mạo danh cán bộ quân nhân đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoặc Ban Chỉ huy Quân sự huyện để gọi điện, nhắn tin đến các cơ sở kinh doanh, mời chào mua bán hàng hóa nhằm lừa đảo. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Một chủ cơ sở kinh doanh kể lại trải nghiệm của mình. Qua mạng xã hội, một đối tượng tự xưng là cán bộ quân đội đã tiếp cận anh, đặt vấn đề cần mua vật liệu xây dựng. Đối tượng đặt cọc 1 triệu đồng để tạo lòng tin, sau đó giới thiệu hai hợp đồng khác với giá trị cao hơn. Do các sản phẩm không có sẵn, anh đã chuyển 30 triệu tiền đặt cọc mua hàng mà không biết mình bị lừa.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Bách Đạt Phát, cũng gặp phải trường hợp lừa đảo. Một đối tượng gọi điện đặt mua sắt thép, sau đó nhờ ông mua thêm 30 cái máy in với lời hứa được hưởng chênh lệch. Khi ông đến công trường giao hàng thì không ai nghe máy, và ông mới nhận ra mình súyt bị lừa.
Đơn vị quân đội khẳng định không có chuyện cử cán bộ chiến sĩ tiếp cận và giao dịch với người dân qua mạng khi có nhu cầu mua bán hàng hóa.
"Các hành vi giao dịch qua mạng xã hội này tiềm ẩn nhiều nguy cơ để kẻ xấu lợi dụng giả danh cán bộ quân đội để thực hiện hành vi lừa đảo." - Trung tá Nguyễn Ngọc Bích, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trực, Nam Định.
Cơ quan công an nhận định rằng kẻ xấu đã lợi dụng triệt để tâm lý chủ quan, hám lợi và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân trong việc bảo mật dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, đối tượng cũng lợi dụng nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân.
"Ngoài ra, đối tượng cũng lợi dụng nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân. Ví dụ như thời gian vừa qua xảy ra không ít vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, các đối tượng đã lợi dụng điều này để dựng lên những màn kịch lừa đảo mua bán thiết bị PCCC." - Thiếu tá Phạm Thái Dương, Đội trưởng đội 3, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nam Định.
Từ giữa năm ngoái đến nay, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trực đã ghi nhận gần chục trường hợp bị lừa với thủ đoạn trên. Một phụ nữ đã mất gần 100 triệu đồng khi bị kẻ xấu lừa mua cỏ Nhật và thuốc trừ sâu.
Đảm bảo an toàn trong mua bán hàng hóa
Trong bối cảnh các chiêu trò lừa đảo mạo danh cán bộ để lừa đảo tài sản đang ngày càng phức tạp, người dân và các chủ cơ sở kinh doanh cần nắm rõ một số biện pháp để nhận biết và ngăn chặn hiệu quả các thủ đoạn này.
Người dân và các chủ cơ sở kinh doanh cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ danh tính của các đối tác và khách hàng trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa. Trung tá Nguyễn Ngọc Bích, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trực, Nam Định, nhấn mạnh: "Người dân cần đặc biệt lưu ý khi có các giao dịch mua bán hàng hóa với các đơn vị quân đội, thì các đơn vị luôn cử cán bộ trực tiếp đến làm việc. Và cán bộ phải ăn mặc đúng điều lệnh của quân đội, có chứng minh sĩ quan và chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, và có giấy giới thiệu của đơn vị ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của đơn vị để người dân có thể căn cứ vào số điện thoại đó để xác minh, tránh để các đối tượng giả danh cán bộ quân đội thực hiện hành vi lừa đảo".
Thượng tá Trần Xuân Lượng, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nam Định, khuyến cáo: "Khi giao dịch mua bán hàng hóa, đặc biệt là các loại hàng hóa có giá trị lớn, tốt nhất là nên làm việc trực tiếp, không qua trung gian. Khi chuyển tiền mua hàng, cần kiểm tra kỹ danh tính bạn hàng và số tài khoản xem có đúng là của người đó hay không, để phòng tránh lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Thiếu tá Phạm Thái Dương, Đội trưởng đội 3, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nam Định, lưu ý:"Trường hợp vì lý do bất khả kháng, không thể làm việc trực tiếp với đối tác khách hàng, cần đề cao cảnh giác với đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake, tạo ra các cuộc gọi videocall giả mạo. Các đối tượng lừa đảo thường gửi rất nhiều thông tin và hình ảnh chứng minh mình là người của các cơ quan tổ chức nhà nước, sau đó chào mời người dân mua bán các loại hàng hóa với giá trị lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với thực tế".
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi rao bán đủ loại quân trang đang tràn lan trên mạng xã hội. Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, Khoa nghiệp vụ điều tra hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân, nhấn mạnh: "Đây là hành vi phạm pháp và rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng để cải trang và mạo danh cán bộ công an, quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản thân mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến nhận diện những người có thể thực hiện hành vi phạm tội, và bảo vệ tài sản của mình bằng cách lưu giữ lại những tin nhắn, những clip ghi nhận hình ảnh đối tượng, quá trình trao đổi thông tin để có thể phối hợp và cung cấp cho những đơn vị chức năng khi cần thiết".
Việc nhận diện và ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo yêu cầu sự cảnh giác cao độ và hiểu biết pháp luật từ phía người dân và các chủ cơ sở kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo để bảo vệ quyền lợi của người dân.
(VTV.vn)