Ninh Bình hiện có phong trào tập luyện môn cầu lông phát triển sâu rộng, song trong nhiều năm liền môn cầu lông thành tích cao lại chưa phát triển tương xứng với phong trào. Ý thức được hạn chế đó, vào năm 2016, Ninh Bình bắt đầu đưa vào đào tạo lại môn cầu lông trong tổng thể các môn thể thao thành tích cao của tỉnh. Kết quả của sự thay đổi đó là trong vài mùa giải gần đây, môn cầu lông Ninh Bình đã bắt đầu cho "quả ngọt".
Huấn luyện viên Đinh Thanh Tâm, người trực tiếp huấn luyện với các tay vợt trẻ Ninh Bình chia sẻ: Năm 2016, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh bắt đầu đào tạo lại môn cầu lông. Hiện môn thể thao này có tổng số 6 vận động viên ở lứa tuổi thiếu niên 11, 13, 17 tuổi. Tuy số lượng ít nhưng chất lượng các tay vợt khá đồng đều. Qua thi đấu một số giải trẻ, giải các nhóm tuổi thiếu niên toàn quốc đã có vận động viên giành được kết quả tích cực.
Điển hình như 2 tuyển thủ Nguyễn Quang Minh, Phạm Vũ Thi hiện có nhiều triển vọng. Phạm Vũ Thi giành huy chương đồng đơn nam giải các nhóm tuổi toàn quốc U11 năm 2020 và cùng với Nguyễn Quang Minh giành được thêm 1 huy chương vàng đôi nam U11. Cặp vận động viên này còn giành huy chương vàng đơn nam, đôi nam U13 giải các lứa tuổi toàn quốc vào 6/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhờ có thành tích này mà vận động viên Nguyễn Quang Minh được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia từ ngày 1/7/2022. Lứa tuổi U11 của Ninh Bình cũng đã có các vận động viên vào đến tứ kết giải toàn quốc. Như vậy lực lượng các tuyến hiện có của cầu lông thành tích cao khá đồng đều và nếu được đầu tư tốt thì hoàn toàn có hy vọng phát triển mạnh.
Cũng theo huấn luyện viên Đinh Thanh Tâm, điểm không thuận lợi của cầu lông Ninh Bình là hiện tại nguồn tuyển vận động viên tương đối khó khăn. Vì môn cầu lông bắt đầu thi đấu từ 7 tuổi, như vậy các vận động viên phải được tập từ khi 4-5 tuổi. Với độ tuổi nhỏ như vậy rất ít gia đình cho con đi tập, nhất là di tập xa gia đình. Do vậy, nguồn tuyển của môn cầu lông bị bó hẹp ở khu vực thành phố Ninh Bình và vùng ven, nơi vận động viên có thể vừa tập vừa ở cùng gia đình. Diện tuyển bó hẹp, đương nhiên sẽ khó tuyển được những vận động viên giỏi, đó là chưa kể sau quá trình tập tương đối dài mới biết vận động viên trẻ nào có thể phát triển được thành vận động viên chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, môn cầu lông Ninh Bình hiện có 3 người làm công tác huấn luyện, song có đến 2 huấn luyện viên mới, do vậy còn cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Hiện huấn luyện viên Đinh Thanh Tâm đang phải một mình đảm nhiệm huấn luyện tất cả các tuyến. Trong huấn luyện chuyên nghiệp không có trung tâm hay đội tuyển nào làm như vậy.
Ngoài ra, hiện Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh chỉ có 1 sân tập dành cho môn cầu lông, với số lượng vận động viên hiện tại, việc luyện tập sẽ thực hiện xen kẽ. Tuy nhiên, nếu như tất cả các vận động viên cùng tập thì không đủ không gian cho em tập các bài bổ trợ, nhất là các tập kỹ thuật, thể lực, kế hoạch gọi bổ sung vận động viên phải tạm dừng do không đủ sân tập luyện.
Trong ngắn hạn, các tuyển thủ của Ninh Bình mới chỉ thi đấu ở các giải nhóm tuổi và giải trẻ, chưa có vận động viên thi đấu giải vô địch. Do vậy quá trình tập các tay vợt trẻ sẽ khó khăn trong việc tìm đối trọng tập luyện. Không có đối trọng giỏi, các tay vợt khó nâng cao trình độ.
Dù có những khó khăn như vậy, nhưng tại Giải cầu lông các tay vợt thiếu niên, trẻ xuất sắc quốc gia 2022 tranh cúp Donex vừa qua, cầu lông Ninh Bình vẫn xuất sắc đạt kết quả khả quan với 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.
Những "trái chín đầu mùa" tuy chưa làm thỏa mãn những người làm thể thao nhiều khát vọng nhưng thắp lên hy vọng về sự thay đổi của cầu lông Ninh Bình sau nhiều năm có vẻ trầm lắng. Điều này cũng xóa đi sự bất cập khi Ninh Bình có cầu lông phong trào rất phát triển, song cầu lông thành tích cao lại phát triển chưa tương xứng.
Bài, ảnh: Mai Phương