Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, năm 2020 Ban đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án, tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.111 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 2 triệu USD.
Ngay trong đầu tháng 1 năm 2021, Ban đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án FDI với tổng mức đầu tư đăng ký là 30 triệu USD. Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm năm 2020 đạt gần 2.400 tỷ đồng. Có thể thấy, trước diễn biến và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác thu hút đầu tư năm 2020 đạt kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay tổng số dự án có hiệu lực trong các KCN là 118 dự án với tổng vốn đăng ký 63.210,14 tỷ đồng, trong đó có 29 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 560,44 triệu USD, tương đương 11.994 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư vào các KCN đa phần là dự án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư bình quân của một dự án đạt 535,6 tỷ đồng. Một số dự án hoạt động trong KCN giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh, tiêu biểu là: Nhà máy kính CFG, Camera module MCNex, ô tô Thành Công, xi măng Vissai...
Năm 2020, các doanh nghiệp trong các KCN đã đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 11.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2019. Cùng với đó, giải quyết trên 40 nghìn việc làm cho người lao động với mức thu nhập ổn định.
Hoạt động thu hút đầu tư vào KCN có xu hướng đầu tư chuyển dịch từ sử dụng nhiều lao động sang ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Tỷ lệ lấp đầy các KCN gần như đạt 100% diện tích, trong đó KCN Gián Khẩu, KCN Khánh Phú, KCN Tam Điệp I và KCN Khánh Cư đã lấp đầy 100%, KCN Phúc Sơn tỷ lệ lấp đầy trên 75%. Các chỉ số về tốc độ lấp đầy KCN, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án trong các KCN tỉnh Ninh Bình được đánh giá ở mức khá so với các KCN trong cả nước và khu vực.
Với tổng diện tích các KCN tỉnh hiện nay là 1.472ha, so với quy mô, diện tích KCN các tỉnh lân cận như Hà Nam (2.500ha), Nam Định (2.600ha), có thể thấy các KCN của tỉnh Ninh Bình có sự phát triển vượt trội, đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
"Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác thu hút đầu tư, tuy nhiên việc thu hút các nhà đầu tư vào các KCN còn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư".- Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Quản lý Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành toàn cầu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hay sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt vào các dự án hạ tầng lớn và sử dụng các gói cứu trợ phù hợp để kích thích nền kinh tế phục hồi nhanh, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Bởi vậy, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu á - Thái Bình Dương và kiềm chế tốt sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến đầu tư an toàn và đang đứng trước cơ hội lớn để tranh thủ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, gần đây nhất là EVFTA, cũng góp phần tạo nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Dự báo, thời gian tới, nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước sẽ tham gia hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Đối với Ninh Bình, ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Quản lý Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào tỉnh Ninh Bình cũng như vào các KCN trong tỉnh đang có xu hướng tăng cao. Nhiều nhà đầu tư đã về tìm hiểu và mong muốn được đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Đặc biệt, với việc mở rộng Nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, sẽ kéo theo hàng loạt các dự án phụ trợ ngành sản xuất lắp ráp ôtô mong muốn đầu tư vào các KCN tỉnh Ninh Bình, cũng như việc đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia trên thế giới đến Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Ninh Bình là quỹ đất trong các KCN để thu hút dự án đầu tư không còn nhiều, một số cơ chế, chính sách về ưu đãi khuyến khích đầu tư không còn phù hợp với thực tiễn hiện tại gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xúc tiến thu hút đầu tư.
Để kịp thời đón làn sóng đầu tư mới vào các KCN, Ninh Bình đang tập trung đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện công tác quy hoạch, phát triển các KCN để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư. Trước mắt là tập trung vào KCN Tam Điệp 2 và KCN Kim Sơn, sau đó là thành lập mới, mở rộng các KCN khác. KCN Tam Điệp 2 hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu, đang tiến hành công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500; KCN Kim Sơn đang thực hiện khảo sát để lập quy hoạch.
Riêng đối với việc thành lập mới, mở rộng các KCN theo đề án điều chỉnh bổ sung các KCN của tỉnh, để đảm bảo các quy định hiện hành thì quy hoạch này phải được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Vì vậy, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời sớm ban hành quy định mới về ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhằm tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh, sức hấp dẫn trong việc thu hút, xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Bình nói chung và các KCN của tỉnh nói riêng.
Bài, ảnh: Hồng Giang