Văn hóa là khái niệm rộng, có nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Về cơ bản, văn hóa là thơ ca, nhạc họa, sân khấu, điện ảnh...; là các di tích, di sản... Đó chính là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Truyền thông cũng là khái niệm rộng, hiểu một cách đơn giản, đó là quá trình truyền tải thông tin, ý kiến, tin tức... giữa hai hoặc nhiều người với nhau nhằm giao tiếp, kết nối, tăng sự hiểu biết và nhận thức.
Truyền thông là công cụ quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, quảng bá văn hóa, sản phẩm văn hóa... Truyền thông văn hóa, hiểu một cách đơn giản là việc vận dụng truyền thông để xây dựng nội dung phát triển và quảng bá văn hóa, đưa ra những sản phẩm truyền thông phù hợp.
Tại Việt Nam, chúng ta đã có nhiều dự án, chương trình truyền thông văn hóa quy mô lớn, như: đăng tải, phát phóng sự về đất nước, con người Việt Nam trên các hãng truyền thông lớn của thế giới; công bố những bộ phim truyện, phim truyền hình (cả của đạo diễn trong nước và nước ngoài) trên các nền tảng truyền thông khác nhau; sản xuất, giới thiệu những MV ca nhạc đình đám; những chương trình sân khấu (show diễn thực cảnh) quy mô lớn, hiện đại, hoành tráng; đăng tải các tác phẩm báo chí liên quan đến văn hóa... Tỉnh Ninh Bình nói chung, Cố đô Hoa Lư nói riêng cũng thực hiện truyền thông văn hóa từ lâu, đạt được những hiệu quả tích cực.
Cố đô Hoa Lư là vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, là điểm đến đậm đà giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc, với dấu ấn vàng son một thời oai hùng. Đó cũng chính là cái lõi, là hồn cốt của thành phố Hoa Lư-đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch quốc tế trong tương lai. Và trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ, với những bước tiến vũ bão, việc quảng bá hình ảnh một cố đô vàng son một thuở với bao trầm tích văn hóa còn hiện diện đến ngày nay, là hồn cốt, là giá trị tinh túy của thành phố Hoa Lư hiện đại, trung tâm công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí thì chắc chắn không thể thiếu vai trò của truyền thông.
Trong nhiều trường hợp, các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, ca múa nhạc,... cũng có chức năng, nhiệm vụ truyền thông, nghĩa là nhằm mục đích quảng bá, lan tỏa, chuyển tải những thông điệp đến đông đảo công chúng, giúp công chúng có sự tiếp nhận, từ đó tò mò, ấn tượng, thích thú để rồi mong muốn tìm hiểu, khám phá. Mà muốn khám phá, mục sở thị thì không có con đường nào khác là đi du lịch, đến tận nơi chiêm ngưỡng, cảm nhận, tận hưởng những gì mình đã được nghe, được nhìn thấy thông qua các sản phẩm truyền thông văn hóa trên các kênh truyền thông, các nền tảng truyền thông khác nhau.
Cả thế giới đều biết rằng, việc quảng bá hình ảnh một vùng đất với những đặc trưng riêng biệt, bằng những sản phẩm độc đáo, riêng có, tiếp cận những đối tượng công chúng khác nhau, trên các nền tảng, phương tiện truyền thông khác nhau, đặc biệt trên không gian số là việc không thể bỏ qua, thậm chí phải đặc biệt chú trọng. Trong đó, phim truyền hình, âm nhạc, các nội dung số... có vai trò rất quyết định.
Với phim truyền hình, rất nhiều địa danh đã trở nên nổi tiếng sau khi bộ phim được phát sóng, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, trước hết là trong nước. Một số địa điểm ở thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã trở lên nổi tiếng khắp Trung Quốc và cả Việt Nam, khi bộ phim truyền hình “Đi đến nơi có gió” với sự tham gia của 2 diễn viên chính Lưu Diệc Phi (vai Hứa Hồng Đậu) và Lý Hiện (vai Tạ Chi Dao) được công chiếu.
Bộ phim được UNESCO đánh giá là đã phát huy sức mạnh của di sản văn hóa phi vật thể, làm hồi sinh nền kinh tế thôn Vân Miêu, Đại Lý-bối cảnh trong phim-vốn là nơi “khỉ ho cò gáy”, ngay cả người dân Đại Lý cũng không lui tới. “Đi đến nơi có gió” được tờ The New York Times (Mỹ) đề cử là một trong những bộ phim truyền hình quốc tế xuất sắc năm 2023. Đặc biệt, sau khi bộ phim khởi chiếu, được đánh giá cao đã góp phần kích thích ngành du lịch địa phương bùng nổ, như thống kê của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam, Đại Lý đã đón hơn 45 triệu lượt du khách trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, doanh thu đạt hơn 38 triệu nhân dân tệ, lập kỷ lục doanh thu mới trong lịch sử ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Một ví dụ khác, sau khi bộ phim “Bản tình ca mùa đông” được phát sóng, chỉ với hàng cây rất đẹp trên đảo, đã biến đảo Jeju-vùng nghèo đói nhất Hàn Quốc vì xa đất liền, diện tích đất canh tác hạn chế thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng khắp Hàn Quốc và thế giới...
Tại Việt Nam, nhiều bộ phim trong và ngoài nước cũng thu hút được sự chú ý của công chúng trong và ngoài nước, sự “tận dụng” hiệu ứng của các bộ phim vẫn chưa được khai thác triệt để, ở các cấp độ khác nhau. Riêng với tỉnh Ninh Bình-bối cảnh bộ phim “bom tấn” của Hollywood: “Kong: Skull Island” (Kong-Đảo Đầu Lâu) năm 2017, với các cảnh quay ở khu sinh du lịch thái Tràng An, đầm Vân Long, cũng đã khai thác tương đối tốt hiệu ứng thành công của bộ phim. Du khách trong và ngoài nước đến Ninh Bình, thăm những cảnh trong phim ngày càng nhiều hơn. Nhờ đó, ngành du lịch cũng có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Một ví dụ khác mà việc truyền thông văn hóa, cụ thể là âm nhạc, đã tạo hiệu ứng rất tốt, chắc chắn sẽ tạo đà cho du lịch phát triển. Đầu tháng 3/2025, MV “Bắc Bling (Bắc Ninh)” của ca sĩ Hòa Minzy lấy cảm hứng từ văn hóa quan họ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009, đã tạo hiệu ứng lịch sử khi nhanh chóng và liên tục tạo những “cơn sốt”, đứng đầu trên các bảng xếp hạng âm nhạc thế giới.
Không chỉ quan họ, những hình ảnh đặc sắc, nổi bật của tỉnh Bắc Ninh đã được cả thế giới biết đến, thích thú, chắc chắn sẽ là niềm thôi thúc để công dân nhiều nước đến du lịch Bắc Ninh, nhất là khi tỉnh này đã mở các tour du lịch miễn phí vào cuối tuần đến những địa điểm nổi tiếng của địa phương, như: Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu, Làng tranh Đông Hồ, Đền Đô, Chùa Phật Tích, Lăng Kinh Dương Vương, Làng gốm Phù Lãng, Đền Nguyễn Cao, Chùa Diên Quang...
Các sản phẩm văn hóa phi vật thể tạo đà cho du lịch phát triển một cách mạnh mẽ là điều đã được khẳng định từ lâu, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa vật thể, các di tích lịch sử vô giá cũng cần được truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, thông qua các sản phẩm cụ thể, như phim tài liệu, phóng sự, các câu chuyện “thâm cung bí sử”... gắn liền với ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ, tại Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu tích lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống-dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Thăng Long-Hà Nội.
Việc phát huy các giá trị di sản, các công trình kiến trúc của Cố đô Hoa Lư như đền, lăng, đình, chùa, phủ… là rất quan trọng, không chỉ có giá trị lưu giữ, truyền dạy lịch sử mà còn tạo tiền đề để kinh tế phát triển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ. Việc truyền thông văn hóa để thu hút công chúng, du khách, quảng bá danh thắng Cố đô-đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch mang tầm quốc tế rất cần chú trọng một cách đúng mức.
Bên cạnh những loại hình truyền thông chủ lực như phim ảnh, ca nhạc, thông tin báo chí, việc xây dựng một chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng, tái hiện lại lịch sử vùng đất Cố đô Hoa Lư cũng nên được sớm tính đến. Ví như Hội An đã có chương trình “Ký ức Hội An” thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, như địa điểm du lịch nổi tiếng nào của Trung Quốc cũng có những chương trình sân khấu thực cảnh hoành tráng, kết hợp hài hòa, hợp lý giữa lịch sử và hiện đại, tái dựng câu chuyện liên quan đến vùng đất, con người cùng những dấu ấn đáng nhớ, gắn liền với tên tuổi đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu cùng những di tích lịch sử của Trung Quốc...
Ninh Bình đã thành công và có kinh nghiệm phát triển du lịch sau khi bộ phim “Kông-Đảo đầu lâu” của đạo diễn Hollywood được phát sóng. Rõ ràng, hướng quảng bá thành phố Hoa Lư-đô thị di sản thiên niên kỷ bằng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, như phim truyện, phim truyền hình, phim tài liệu, MV, show diễn thực cảnh... cần được tính đến một cách nghiêm túc, bởi hiệu ứng, hiệu quả mà các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị, sức lan tỏa là rất lớn, lâu dài, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ.
Và điều hết sức quan trọng là nếu không được truyền thông từ đầu một cách bài bản, chiến lược, đúng và trúng với các đối tượng công chúng khác nhau, trên các loại hình, nền tảng truyền thông khác nhau, thật khó tạo được sức lan tỏa, gây hiệu ứng mạnh mẽ đối với đông đảo công chúng trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, là việc phát huy giá trị di sản cố đô, với những sản phẩm du lịch, dịch vụ đi kèm chất chứa những câu chuyện lịch sử thú vị, đặc sắc, nhuốm màu huyền bí...
Tất nhiên, việc quảng bá phải kịp thời, rộng rãi, có điểm nhấn... trên các nền tảng khác nhau, nhắm đến các đối tượng công chúng khác nhau. Sau đó, là việc nắm bắt cơ hội, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách... để các ngành kinh tế có liên quan, nhất là du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa... phát triển một cách nhanh chóng, vững chắc, góp phần giúp địa phương tăng trưởng đột phá, vững bền.
Có thể khẳng định rằng, việc chú trọng xây dựng các sản phẩm truyền thông văn hóa, truyền thông một cách rộng rãi để tiếp cận đông đảo công chúng trong và ngoài nước là một trong những biện pháp rất quan trọng để tạo đà cho các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa... phát triển, góp phần xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố du lịch quốc tế; một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, đổi mới sáng tạo của vùng, quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.