Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng và vinh dự được Tạp chí Tài chính quốc tế International Finance Magazine (IFM) trao giải thưởng "Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam 2020".
Ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc OCB Chi nhánh Ninh Bình cho biết: Điểm nổi bật nhất của OCB là đã phát triển ngân hàng số OMNI trên nền tảng ngân hàng hợp kênh, cho phép khách hàng tiếp cận hầu hết dịch vụ tài chính cơ bản như: Mở tài khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán các dịch vụ thiết yếu, thanh toán QR thông qua hợp tác với VnPay, liên kết với các công ty ví hàng đầu như MoMo, Moca… để khách hàng nạp/rút ví điện tử thuận tiện và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, OCB đã xúc tiến hợp tác với nhiều đối tác mới để phát triển thêm nhiều tiện ích thanh toán, mua sắm, du lịch cho khách hàng, tích hợp đa dạng sản phẩm, dịch vụ tài chính từ thiết yếu đến nâng cao như bảo hiểm hay đầu tư quỹ mở.
Ngoài ra, OCB cũng đi đầu trong việc triển khai thử nghiệm nhiều công nghệ tiên tiến vào trong hoạt động kinh doanh, điển hình như: công nghệ nhận diện khuôn mặt; công nghệ OCR - đọc dữ liệu từ hồ sơ khách hàng; các hình thức chuyển tiền mới hay hệ thống quản lý thông tin khách hàng, hệ thống tiếp thị tự động; nền tảng chuyển tiền quốc tế ứng dụng công nghệ Ripple…
Hiện OCB Ninh Bình cũng như tất cả các chi nhánh khác trong cả nước đang tích cực triển khai tất cả các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nhằm đem đến nhiều tiện ích và tiện lợi nhất cho khách hàng.
Số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số của OCB Chi nhánh Ninh Bình đã tăng nhanh trong 3 năm gần đây và thời điểm hiện tại đã đạt trên 50% trên tổng giao dịch. Nhờ phát triển ngân hàng số, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 có những diễn phức tạp, OCB Ninh Bình đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách hàng.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2021, OCB Ninh Bình đã tăng 2.000 khách hàng so với đầu năm. Dự báo số lượng khách hàng của OCB sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm. Cùng với phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số, OCB quan tâm đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ trong quản trị, vận hành hệ thống, giúp giảm tải công việc, giảm nhân lực và tiết giảm chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cũng là một trong những ngân hàng mạnh và tham gia chuyển đổi số từ sớm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình (Agribank Ninh Bình) đã đưa chuyển đổi số hiện diện trong quản trị điều hành và mọi hoạt động thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng môi trường làm việc trực tuyến.
Đồng thời, chú trọng phát triển cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, đối tác, góp phần tạo điều kiện, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán...
Đại diện lãnh đạo Agribank Ninh Bình cho biết: Với định hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ thông tin, Agribank đã tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0.
Đặc biệt trong thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động... mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.
Đến nay, Agribank Ninh Bình phát hành trên 114.000 thẻ thanh toán; 50 máy POS thanh toán và 15 máy ATM được đặt ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngân hàng đã xem việc phát triển mô hình ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với đặc thù đơn vị mình.
Theo kết quả khảo sát vào tháng 9/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi số, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch và chiến lược phát triển của riêng mình gắn với ứng dụng công nghệ 4.0.
Đặc biệt, ngày 29/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm mục tiêu tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai thực hiện các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng là phấn đấu ít nhất 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; ít nhất 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Có thể thấy rõ trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng với lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ, ngân hàng là một trong những ngành đã đi tiên phong chuyển đổi số để chủ động thích ứng với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai thực hiện dịch vụ Ngân hàng số dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, ngân hàng lõi hiện đại, có khả năng kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành, phù hợp với nhu cầu, năng lực của tổ chức tín dụng.
Việc hiện đại hóa ngân hàng được thực hiện trên nền tảng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo... Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, vận hành thông suốt hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình thanh toán điện tử như chuyển mạch giữa các ngân hàng, ví điện tử, QRCode, Mobile Monney và thực hiện Ngân hàng điện tử MobileBanking, InternetBanking…
Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động nghiệp vụ như thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ngân hàng, thông tin báo cáo, thông tin tín dụng, thông tin tuyên truyền… được triển khai mạnh mẽ trên môi trường mạng và các thủ tục hành chính được nâng lên mức độ 3, 4 có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Những nền tảng ban đầu cho thấy ngành Ngân hàng Ninh Bình đã bắt kịp xu hướng, có những thay đổi nhất định trong ứng dụng công nghệ số vào các giao dịch tài chính, ngân hàng. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng của thế giới mà còn thúc đẩy các ngân hàng không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, kiến tạo giá trị mới để đứng vững trên thị trường và thu hút khách hàng.
Bài, ảnh: Hồng Giang