Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Ninh Bình, thời gian qua đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hệ thống thông quan tự động Vnaccs/Vcis, thông quan hàng hóa nhanh chóng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Theo đó, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động với hơn 99% doanh nghiệp tham gia. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất, nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút ngắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.
Cùng với đẩy mạnh thông quan tự động, ngành Hải quan phối hợp với các ngân hàng thương mại thực hiện nộp thuế điện tử thông qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan. Đến nay đã có hơn 98% thuế, phí, lệ phí hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bằng phương thức điện tử tiên tiến. Việc triển khai hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 không chỉ phục vụ cho cơ quan Hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn giúp cho các cơ quan thực hiện công tác quản lý Nhà nước có hiệu quả.
Ngành Hải quan còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Đến đầu tháng 9, ngành Hải quan đã cung cấp 215 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số thủ tục hành chính đang thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Ngoài ra, Chi cục đã cập nhật tờ khai, số liệu, truyền tin đầy đủ, kịp thời đảm bảo việc khai thác số liệu phục vụ tốt cho công tác quản lý rủi ro của ngành.
Nhờ tích cực hiện đại hóa và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước lĩnh vực Hải quan, thời gian qua Chi cục Hải quan Ninh Bình đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh đạt 4.541 tỷ đồng, bằng 68,4% dự toán và tăng 50,3% so với cùng kỳ.
Ông Lê Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình cho biết: Kết quả trên đã thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng của tỉnh trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước qua hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh được dự báo tiếp tục bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, đơn vị đang cấp bách rà soát và chủ động chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp có hoạt động qua địa bàn và triển khai quyết liệt các biện pháp để đẩy mạnh hoạt động thông quan hàng hóa.
Với phương châm "đồng hành với doanh nghiệp vượt khó", cán bộ hải quan trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thủ tục hải quan, nhanh chóng xử lý vướng mắc, không để doanh nghiệp phải chịu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh trong quá trình làm thủ tục.
Đồng thời, Chi cục cũng trao đổi, nắm tình hình, kế hoạch kinh doanh từ phía doanh nghiệp để có phương án phân bổ thu ngân sách Nhà nước hợp lý cho từng đơn vị trực thuộc; theo dõi sự biến động các yếu tố tăng giảm số thu ngân sách nhà nước, trong đó chú trọng đến các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn để đánh giá chính xác nguồn thu ngân sách.
Tăng cường kiểm tra hồ sơ ngay từ khâu thông quan, tiếp tục thực hiện chuyên đề kiểm soát rủi ro trong hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; triển khai thực hiện các biện pháp thu hồi thuế nợ đọng…
Đặc biệt, ngành Hải quan sẽ chú trọng thực hiện chuyển đổi số để minh bạch hóa công tác hải quan, thông quan nhanh hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan. Trong đó sẽ tập trung triển khai các giải pháp xây dựng mô hình hải quan thông minh theo sự chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Mô hình này cho phép doanh nghiệp, hải quan và các bên liên quan (vận chuyển, đại lý, kho bãi…) cùng sử dụng trên nền tảng số, hệ thống thông tin thống nhất, liên kết.
Chi cục cũng tập trung hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số.
Qua đó, giúp doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nắm bắt được toàn bộ tiến trình hàng hóa được thông quan ở đâu, đến giai đoạn nào, nắm bắt vướng mắc phải xử lý.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan Hải quan sẽ chủ động nắm bắt được toàn bộ thông tin ngay từ khi hàng chưa hạ bãi, chưa đến cửa khẩu để phân tích, đánh giá, đưa ra các quyết định kiểm tra, giám sát phù hợp, tạo môi trường xuất, nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Bài, ảnh: Hồng Giang