Tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã góp ý cụ thể về các điều khoản liên quan đến các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; về quy định liên quan đến hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; về an toàn hóa chất…
Theo đại biểu, dự thảo Luật nêu 6 chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Nội dung của các chính sách này là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ nội dung quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, tinh thần và nội dung chủ đạo của các chính sách tập trung phần lớn vào nội dung phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp hóa. Còn vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, bảo vệ các quyền con người có liên quan trong lĩnh vực hóa chất trong dự thảo Luật chưa được quy định một cách tương xứng.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể, rõ nét hơn trong dự thảo Luật về vấn đề bảo vệ an toàn sức khỏe, các quyền con người có liên quan trong lĩnh vực hóa chất, bảo vệ môi trường, quyền được sống, làm việc trong môi trường an toàn, quyền được tiếp cận thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, quyền được yêu cầu bồi thường và khắc phục thiệt hại, quyền được tham vấn, tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến quản lý, kiểm soát hóa chất trong cộng đồng… để bảo đảm sự hài hòa với việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong lĩnh vực hóa chất.
Đối với quy định về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu để có quy định rõ việc sử dụng, thải bỏ và xử lý hóa chất nguy hiểm; cần chỉ rõ đối tượng mà tổ chức, cá nhân “có nghĩa vụ thực hiện các quy định về sử dụng, tồn trữ, vận chuyển, thải bỏ, xử lý hóa chất quy định tại Luật này” là sản phẩm, hàng hóa chứa hóa chất nguy hiểm, hay là chính hóa chất nguy hiểm.
Góp ý cụ thể về an toàn hóa chất, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự chuyển dịch của cơ cấu năng lượng, từ nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng sạch, khi xây dựng Chương “An toàn hóa chất” trong dự thảo Luật cũng cần xét đến tính đặc thù của một số quá trình hóa học sản xuất các chất mang năng lượng, như amoniac xanh, hydro xanh để bảo đảm xác định đầy đủ các trường hợp/đối tượng, nhất là các trường hợp/đối tượng có thể phát sinh trong tương lai. Cụ thể, cần chỉ rõ các chất mang năng lượng như trên sẽ là đối tượng cần tuân thủ theo dự thảo Luật hay theo một luật khác về năng lượng.
Cũng liên quan đến lĩnh vực năng lượng, hiện nay, pin Lithium được dùng phổ biến cho các dòng xe đạp, xe máy điện, nếu xảy ra cháy sẽ rất khó dập tắt bằng những bình chữa cháy thông thường. Việc dùng nước để chữa cháy còn có thể gây nổ. Xuất phát từ những thực tiễn đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cũng cần xác định việc phòng ngừa cháy pin Lithium cũng như ứng phó sự cố cháy có liên quan đến pin lithium có thuộc đối tượng phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của dự thảo Luật hay không để làm cơ sở đưa ra những quy định phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (Điều 70).
Cũng trong chương trình phiên họp buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).