Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn.
Tham gia thảo luận Tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có các đại biểu: Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.
Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Cơ bản nhất trí với cơ cấu, bố cục dự thảo, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng hiện nay một số quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài sản số vẫn còn đang phân bổ ở một số điều luật của các chương. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để đưa gọn vào Chương 7 Quản lý Nhà nước về công nghệ số, đảm bảo thống nhất về mặt bố cục.
Góp ý cụ thể về khái niệm “tài sản số”, đại biểu cho rằng việc quy định về tài sản số trong Luật là cần thiết. Tuy nhiên, khái niệm còn chung chung, đại biểu đề nghị rà soát lại và cần có quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn.
Đại biểu đồng tình với việc cần có quy định về quản lý trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên cần nghiên cứu toàn diện để có các quy định chặt chẽ, bao quát hơn và dễ dàng thực hiện hơn. Trong đó, đề nghị cần có quy định về tăng cường trách nhiệm và kiểm soát của nhà cung cấp dịch vụ AI trong công bố đối tượng người dùng mục tiêu (bao gồm kiểm soát thu nhập và xử lý thông tin, chú thích dữ liệu, thiết lập và thu nhập thông tin hồ sơ người dùng) để ngăn chặn tình huống các nhà phát triển mô hình AI trốn tránh trách nhiệm lấy lý do bảo mật kinh doanh. Đề nghị nghiên cứu cân nhắc bổ sung tiêu chí thân thiện môi trường của công nghệ AI, giảm thiểu năng lượng cho sử dụng AI; nghiên cứu cần thiết phải thành lập một cơ quan quản lý Nhà nước chung, để tập trung điều phối và giám sát quản lý công nghệ AI.
Cũng trong phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu đã tập trung góp ý về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.