Công ty TNHH CN Hạ Long CFG (KCN Khánh Phú) hiện có trên 800 lao động. Nhiều lao động, song từ nhiều năm nay, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp khá hài hòa, ổn định, người lao động yên tâm làm việc. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, trong những năm qua, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ nghiệp vụ của các ngành chức năng, Công ty thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp, qua đó tuyên truyền về những điểm mới trong Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động… cho người lao động và chủ sử dụng lao động. Những kiến thức về pháp luật lao động còn được tuyên truyền thường xuyên qua hệ thống phát thanh của Công ty, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, có minh họa cụ thể để người lao động dễ nắm bắt.
Nhờ đó, kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động đều được nâng cao. Công ty thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chế độ phúc lợi chính đáng cho người lao động, mức lương trung bình đạt từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi công nhân nhận mức thưởng 7 triệu đồng. Cùng với đó, người lao động cũng đã biết chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó để hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp càng trở nên gắn bó, hài hòa, không xảy ra tình trạng đình công, lãn công.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số lao động 18.800 người, trong đó có 18 doanh nghiệp nhà nước; 19 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp nhà nước; 51 doanh nghiệp FDI; 2.931 doanh nghiệp dân doanh. Việc thành lập nhiều doanh nghiệp với các loại hình đa dạng đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước, tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn còn xảy ra, điển hình như vi phạm về hợp đồng lao động, BHXH, BHYT, ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang, bảng lương, chế độ lao động cho nữ CNLĐ, trốn đóng kinh phí công đoàn; nội dung các bản hợp đồng lao động của các đơn vị còn thỏa thuận chung chung, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân còn thiếu hoặc sơ sài… Đây không chỉ là những vi phạm Bộ Luật Lao động mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nguyên nhân là do nhận thức pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động còn chưa đầy đủ.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động dưới nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; hướng dẫn bằng văn bản để các doanh nghiệp tổ chức thực hiện; qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu đối thoại trực tiếp, thông qua buổi hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động, đình công; phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động; biên soạn và phát hành cẩm nang về pháp luật lao động, Luật Công đoàn và các chính sách bảo hiểm xã hội…
Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp và trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp; các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; việc thực hiện mức lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng, xây dựng thang, bảng lương, quy chế nghỉ ngơi, kỷ luật lao động; việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; hướng dẫn thực hiện quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng quy định của pháp luật lao động…
Trong năm 2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện chế độ, chính sách mới về tiền lương và BHXH, BHTN đối với người lao động: Tiếp nhận đăng ký thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động của 31 doanh nghiệp và hướng dẫn trên 50 doanh nghiệp thực hiện các quy định về tiền lương và các khoản phụ cấp cho người lao động; trả lời, giải quyết 36 kiến nghị của người lao động về các chế độ, chính sách pháp luật lao động; tổ chức 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho 165 đại biểu là hòa giải viên lao động từ tỉnh tới cơ sở; cán bộ phòng Lao động, Thương binh và xã hội các huyện, thành phố; người sử dụng lao động và cán bộ phụ trách lao động, tiền lương, BHXH của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức tọa đàm, đối thoại chính sách pháp luật lao động cho trên 900 người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp giải quyết kịp thời 3 vụ đình công tập thể của 3.350 công nhân tại 2 doanh nghiệp, không để kéo dài, phức tạp… Đồng thời chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách đối với người lao động, đảm bảo quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh hài hòa, tiến bộ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguyễn Hùng