Tuy nhiên, cuộc sống không đơn giản. Ngay trong từng gia đình, dòng họ hoặc cơ quan, khu dân cư... giữa các thành viên thường xảy ra xích mích, va chạm về lối sống, tính cách hay lợi ích, quyền lợi... người ta gọi chung là những mâu thuẫn trong nội bộ của Nhân dân. Mâu thuẫn trong nội bộ của Nhân dân có thể không lớn, nhưng dễ phát sinh bất cứ lúc nào trong đời sống hàng ngày. Nhiệm vụ đặt ra là cần phải giải quyết tốt, êm đẹp những mâu thuẫn đó, góp phần làm cho cuộc sống yên vui, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, xảy ra 431 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân với 2.168 người tham gia (đã giải quyết ổn định 409 vụ, còn 22 vụ đang giải quyết).
Qua phân tích các vụ việc trên cho thấy, nguyên nhân trực tiếp phát sinh các mâu thuẫn rất đa dạng và phong phú, liên quan đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Có thể kể một số mâu thuẫn hay gặp như: mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, mâu thuẫn tình cảm, mâu thuẫn mang tính bột phát ngoài xã hội (quan hệ hàng xóm, vay mượn tiền, mất kiểm soát hành vi do sử dụng trái phép ma túy, uống rượu, bia; mâu thuẫn bột phát trong lời nói, cử chỉ, hành vi, va chạm giao thông...).
Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Cá biệt một số thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật. Giá trị đạo đức, nền tảng của gia đình, dòng họ... có lúc, có nơi không được coi trọng.
Chỉ vì mâu thuẫn về lợi ích vật chất mà có những người quên cả tình cảm gia đình, đánh mất tình làng, nghĩa xóm "tối lửa, tắt đèn có nhau", làm cho các cơ quan chức năng phải giải quyết mất rất nhiều công sức, thời gian và có khi bằng cả biện pháp hình sự.
Mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân không những gây ra hậu quả, tác hại nặng nề cho mỗi gia đình và toàn xã hội, mà còn gây tâm lý lo lắng, bất an trong cán bộ, Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương.
Từ kết quả giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân thời gian qua có thể nhận thấy khi những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ và giải quyết thỏa đáng; tâm lý, tư tưởng của những người liên quan được thông suốt thì mâu thuẫn cũng dần biến mất. Do vậy, khi giải quyết mâu thuẫn cần phải xem xét đầy đủ mọi góc độ cả lý và tình để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Điều đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, nhất là sự chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu của lực lượng Công an ở cơ sở; kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn mới phát sinh, nhanh chóng xác định nguyên nhân để có kế hoạch, phương án giải quyết một cách triệt để và hiệu quả nhất.
Đôi khi mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ban đầu rất nhỏ, vụn vặt, chỉ là những hành vi hoặc lời nói vô tình bị người khác hiểu nhầm, nếu được giải quyết kịp thời sẽ ổn thỏa ngay, nhưng nếu để lâu dần sẽ tích tụ, từ "việc bé, xé thành to", trở thành vấn đề lớn, khó giải quyết.
Trong thực tế, nhiều người dân sau khi được nghe cán bộ phân tích có lý, có tình, họ đã nhận thấy cái đúng, cái sai, cái được, cái mất nếu để mâu thuẫn kéo dài. Khi mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân được giải quyết tốt từ mỗi gia đình, xóm, phố; rồi các xã, phường làm tốt, các huyện, thành phố làm tốt, tất nhiên những vụ việc về an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh sẽ được giảm thiểu, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật sẽ được kiềm chế.
Cũng từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân được duy trì và phát huy, đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển lành mạnh, bền vững, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng hạnh phúc, văn minh.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần chủ động lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên ở địa phương mình.
Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác nắm tình hình và kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay từ sớm để chuyển hóa những mâu thuẫn lớn thành nhỏ và từ mâu thuẫn nhỏ hóa giải thành không có chuyện gì, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, giá trị đạo đức gia đình, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định, an toàn để phát triển kinh tế-xã hội.
Lực lượng Công an, nhất là Công an xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cần nắm vững tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, các thôn, xóm, tổ dân phố có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế phát sinh mâu thuẫn và khi đã xảy ra mâu thuẫn có phương án giải quyết, kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật do mâu thuẫn bột phát, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.
Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ hòa giải, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân như: tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, khiếu kiện... không để phát sinh các vụ phạm tội và vi phạm pháp luật, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội ngay từ sớm và từ cơ sở.
Tổ chức lồng ghép các hoạt động văn hóa với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư nhằm hạn chế và loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân.
Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng để giải quyết dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn kéo dài, vụ việc vượt quá thẩm quyền của cấp xã, cấp huyện, không để phát sinh tình hình phức tạp gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Nguyễn Đông