Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho nông dân trên địa bàn tỉnh xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của gia đình bà Nguyễn Thị Mai (thôn Trung Trữ, phường Ninh Giang, thành phố Hoa Lư) là một trong những mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế nhờ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Bà Mai cho biết: Cách đây 10 năm, gia đình bà thuê hơn 1 ha đất 5% của địa phương để xây dựng mô hình kinh tế gia trại. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Năm 2023, gia đình bà được Hội Nông dân tỉnh cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn Tỉnh hội đối với dự án nuôi gà thả vườn. Có vốn, gia đình bà đã đầu tư mua con giống, mở rộng chuồng nuôi với quy mô lên tới hàng nghìn con.
Để chăn nuôi có hiệu quả bền vững, ngay từ khi bắt tay xây dựng mô hình, bà Mai xác định chăn nuôi an toàn từ khâu chọn giống, nguồn thức ăn đến cách chăm sóc đàn gà. Giống gà được chọn nuôi là gà ta cho thịt săn chắc, thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng. Phương thức nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, gà con chỉ ăn cám công nghiệp 2 tháng đầu đời, sau đó chuyển hoàn toàn sang ăn thức ăn tự nhiên gồm cám ngô, cá và rau xanh đã được xay nhuyễn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài cung cấp gà thịt cho thị trường, bà Mai còn nuôi cá truyền thống gồm cá trắm, chép với diện tích 2 mẫu, mỗi năm xuất bán trên 10 tấn cá thương phẩm. Với mô hình kinh tế này, gia đình bà Mai thu lãi ròng từ 400-500 triệu đồng/năm.
“Năm nay gia đình tôi tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện được vay thêm 100 triệu đồng theo dự án “Nuôi cá nước ngọt thâm canh” với lãi suất ưu đãi. Đây sẽ là nguồn động lực lớn giúp gia đình tôi cũng như thành viên của nhóm dự án nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập” - bà Mai chia sẻ.
Cũng được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, anh Nguyễn Văn Khâm, thôn Chi Phong, xã Trường Yên (thành phố Hoa Lư) cho biết: “Nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình tôi có điều kiện mở rộng diện tích nuôi thả cá rô Tổng Trường lên hơn 1.000 m2. Mỗi năm gia đình tôi xuất ra thị trường 2 tấn cá thương phẩm. Toàn bộ cá được bán lẻ cho các nhà hàng, khách sạn với giá trên 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện mô hình này được nhân rộng ở địa phương”.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh trao tiền và chúc mừng các hộ tại xã Trường Yên được giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Theo đồng chí Trần Thị Thu Hương, Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đang quản lý nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số vốn gần 77,3 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ cho 476 mô hình, dự án với 2.170 hộ vay đang còn dư nợ. Trong đó, đầu tư vào các dự án chăn nuôi (trâu, bò, lợn, dê, hươu...) chiếm 48%; đầu tư dự án nuôi thủy sản (nuôi cá nước ngọt thâm canh, nuôi tôm...) chiếm 31%; mô hình trồng trọt và các ngành nghề dịch vụ khác chiếm 21%. Bình quân mỗi dự án được vay từ 400 triệu - 1 tỷ đồng; mỗi hộ vay từ 50 - 100 triệu đồng.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, các dự án đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân. Định kỳ hàng quý, các thành viên tham gia dự án duy trì sinh hoạt tổ nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hằng năm đã giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lượt lao động ở nông thôn; góp phần thành lập 78 HTX, 347 tổ hợp tác, 41 chi hội nông dân nghề nghiệp và 534 tổ hội nông dân nghề nghiệp; giúp nông dân mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo ra nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đúng theo quy định, nhằm đảm bảo hoạt động hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển, hiệu quả trong giai đoạn mới. Xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ và đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua nguồn tín dụng ủy thác của các ngân hàng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn của hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong quá trình cho vay, quan tâm triển khai các dự án Nhóm hộ vay vốn gắn với xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác, hợp tác xã ở nông thôn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan lồng ghép các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.