Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 KCN Gián Khẩu và 3 CCN đó là CCN Gia Vân, Gia Phú đang hoạt động và CCN Gia Lập đang trong quá trình hình thành. Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN, huyện Gia Viễn tích cực phối hợp với Ban Quản lý KCN của tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng đã được quy hoạch, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN, CCC, tạo mặt bằng tiếp nhận dự án đầu tư.
Ông Trần Ngọc Chi, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gia Viễn cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, huyện đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký kinh doanh; triển khai tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh (nhất là về chính sách thuế, đất đai).
Đặc biệt, với nguồn lao động trẻ, dồi dào cũng là lợi thế lớn để thu hút đầu tư vào huyện Gia Viễn. Trên cơ sở rà soát nhu cầu, đánh giá trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài KCN, CCN đứng chân trên địa bàn, huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong 5 năm qua (2015-2020), huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho hàng nghìn lượt lao động, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp…
Với nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, các KCN, CCN trên địa bàn huyện ngày càng được lấp đầy. Điển hình như CCN Gia Vân hiện đã thu hút 11 doanh nghiệp đến đầu tư. CCN Gia Phú tuy mới đi vào hoạt động song cũng đã có 6 doanh nghiệp đến đầu tư, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong các KCN, CCN trên địa bàn huyện là 44 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, nhờ đó kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm cho trên 18 nghìn lao động địa phương.
Hiện nay, toàn huyện có gần 1.700 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài KCN, CCN và trên 6.000 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, huyện cũng vẫn đang duy trì hiệu quả các làng nghề: nghề thêu ren ở Gia Xuân, làng nghề đan Cót ở Gia Tân và làng nghề Mây tre đan ở xã Gia Trung. Những cơ sở kinh doanh và làng nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Với nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển, sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng nhanh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tiểu thủ công nghiệp được duy trì. Trong giai đoạn 2015-2020, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Trong đó, công nghiệp, xây dựng đạt 80,8%, Thương mại- dịch vụ đạt 15,8%; Nông lâm, thủy sản chỉ còn 3,4%. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng.
Ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2021, công nghiệp tiếp tục có sự phát triển và duy trì ở mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện ước đạt trên 7.588 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại một số doanh nghiệp, sản phẩm sản xuất ở KCN Gián Khẩu như: lắp ráp ô tô Thành Công, xi măng, sản xuất linh kiện điện tử.
Lao động trong lĩnh vực công nghiệp cũng tăng lên, trong đó 80% là lao động của địa phương. Ttrong năm 2019 số lao động tham gia sản xuất công nghiệp là gần 18 nghìn người, con số này đã tăng lên trên 20 nghìn người vào năm 2020, dự đoán đến năm 2025, lực lượng lao động này sẽ tăng 4,3% so năm 2020 với mức thu nhập ngày càng được nâng cao.
Ông Trần Ngọc Chi, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết thêm: Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Viễn lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định rất rõ: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch.
Trong công nghiệp, huyện sẽ tập trung các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Trong đó, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch nhất là tại CCN Gia Phú, CCN Gia Lập.
Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm để tăng thu nhập và giải quyết việc làm. Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người vào năm cuối nhiệm kỳ 2020-2025 lên mức 70 triệu đồng/năm.
Bài, ảnh Hồng Giang