Đến thăm gia đình trung úy Đặng Văn Tiến ở thôn Vân Thị, xã Gia Tân, đón tiếp chúng tôi là bà Đặng Thị Tình - mẹ đồng chí Tiến. Bà Tình bảo, bà đang tranh thủ cái nắng hiếm hoi đầu xuân để làm mẻ bột sắn dây gửi cho con trai. Bà Tình kể, Tiến là con trai thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vừa học xong cấp 3 là Tiến đi nghĩa vụ quân sự. Được đơn vị cho đi học cát lái, rồi ra nhận nhiệm vụ ở ngoài đảo. Đến nay, Tiến đã có ngót chục năm công tác ngoài đảo.
Hiện nay, Tiến đã lập gia đình và có 1 con trai. Cả vợ con đều ở Nha Trang, vậy nên những lần về phép ngắn ngủi, cả gia đình nhỏ của Tiến đều về thăm bố mẹ. Tết này là năm thứ 3 liên tiếp Tiến không được về ăn Tết cùng gia đình.
Tuy vậy, ông bà vẫn cảm thấy có con trai bên cạnh vì Tiến điện thoại về liên tục để an ủi bố mẹ. Thương con lắm vì không được về với gia đình trong giờ khắc sum vậy, song trong câu chuyện với chúng tôi, bà Tình không giấu nổi niềm tự hào về cậu con trai nhiều nghị lực.
Bà bảo, tuy vợ chồng bà quê mùa, ít hiểu chuyện, song những vất vả của một người lính, đặc biệt là lính đảo thì ông bà hiểu lắm.
Bà Tình bảo, nhớ lại ngày đầu con trai được về phép sau những ngày công tác ở đảo xa, nhìn bàn tay con chai sần, làn da đen sạm bà thương lắm.
Vậy mà chưa bao giờ bà thấy con trai than thở về những nỗi vất vả ấy. Trái lại, biển đảo trong con mắt của Tiến lại rất đẹp, cuộc sống vất vả nơi đầu sóng ngọn gió lại là những trải nghiệm quý giá mà chẳng dễ mấy ai có được.
Càng yêu, càng gắn bó với biển, đảo thì Tiến càng thêm quyết tâm vượt mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp sức cùng đồng đội canh giữ sự bình yên cho biển, đảo quê hương. "Tết- là dịp để mỗi người dù có đi làm ăn xa đến mấy cũng về sum họp với gia đình.
Song, đối với Tiến và bao đồng đội khác thì chỉ cảm nhận cái không khí sum họp đầm ấm ấy qua cuộc điện thoại ngắn hoặc những cánh thư viết vội.
Các con không về đón Tết với gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ lúc nào cũng ngậm ngùi nỗi nhớ thương con. Song, chúng tôi thấy ấm lòng và tự hào về con trai mình. Góp sức cùng đồng đội, những người lính trẻ can trường ấy là những người mang lại cho chúng ta một mùa xuân hạnh phúc"- bà Tình xúc động.
Đối với chị Nguyễn Thị Nhung- vợ thiếu úy Nguyễn Trung Tầm (phố Trung Mỹ, thị trấn Me) thì mỗi khi Tết đến xuân về lại là một cảm xúc khó quên. Con gái của vợ chồng chị đã gần 6 tuổi, vậy nhưng chưa lần nào con gái được đón Tết cùng với cha. Làm việc xa nhà nhưng năm nào hai mẹ con chị cũng về đón Tết cùng ông bà nội. Chồng trực Tết, bởi vậy mà năm nào việc chuẩn bị đón Tết cũng được chị Nhung tiến hành khá sớm.
Từ việc sửa sang lại nhà cửa, cắt tỉa cây cảnh hay sắm sanh cành đào, cây quất, mua quần áo mới cho con, chọn quà tặng cha mẹ hai bên nội, ngoại… đều do tay chị Nhung làm. "Vắng cha ngày Tết, con gái buồn lắm. Biết vậy, nên tôi muốn thay chồng, mang lại cho con gái từng khoảnh khắc đáng nhớ trong những ngày Tết cổ truyền và cố gắng vững vàng làm điểm tựa cho con" - chị Nhung nói.
Chị Nhung kể, chị vẫn còn nhớ ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với anh lính trẻ: vụng về, chân thật nhưng cứng cỏi, chững chạc. Và người lính trẻ ấy đã chinh phục được trái tim cô thôn nữ. Ngày mới yêu nhau, mỗi khi có ngày kỷ niệm lớn như 8-3 hay 20-10 hoặc ngày sinh nhật, đôi khi chị không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Nhưng chị Nhung đã chấp nhận và sẵn sàng vượt qua tất cả. Đám cưới của anh chị diễn ra vào mùa thu năm 2009, khi vừa kịp có với nhau một mặt con, anh Tầm tình nguyện ra công tác tại đảo Tiên Nữ với nhiệm vụ chính là làm công tác Báo vụ.
"Thời bình, mà vợ lính xa chồng đằng đẵng là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Nhiều khi con ốm, mẹ đau, nôi ngoại đều ở xa không biết bấu víu vào đâu. Nhìn vợ chồng người ta bên nhau hạnh phúc em cũng thấy tủi thân lắm. Lúc đó, chỉ cần có một bờ vai của chồng để tựa vào san sẻ.."- chị Nhung nói. Nhưng rồi chị lại tự mình an ủi mình, phải thật vững vàng để trở thành điểm tựa cho con và để cho chồng yên tâm công tác.
Dù ở nhà có khó khăn, nhưng cũng không so sánh với sự hi sinh của các anh và đồng đội nơi đầu sóng, ngọn gió. Chị Nhung lại mạnh mẽ, tất bật lấy công việc làm niềm vui. Sự cố gắng ấy của chị Nhung nhận được sự cảm thông, chia sẻ của đồng nghiệp, của hàng xóm.
Đặc biệt, "Những ngày Tết đến xuân về, gia đình tôi nhận được sự quan tâm nhiều của địa phương và bà con làng xóm. Những món quà đầu xuân, những lời thăm hỏi ân cần, sự sẻ chia nặng tình làng, nghĩa xóm… tuy không nặng về vật chất, song lại là nguồn động viên, chia sẻ lớn đối với gia đình tôi và là "giọt nắng" xuân làm ấm lòng lính đảo"- chị Nhung nói vậy trước khi chia tay chúng tôi.
Bài, ảnh: Đào Hằng