Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2022 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ổ dịch phát sinh tại các khu, cụm công nghiệp; bên cạnh đó, tình hình thế giới biến động khó lường, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, một số ngành sản xuất chủ lực của tỉnh bị sụt giảm, đặc biệt là nhà máy ô tô Thành Công.
Trước diễn biến đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; qua đó nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Do vậy, sản xuất công nghiệp trong tháng tư đã có sự tăng trưởng khá, nhất là đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: kính nổi 35,6 nghìn tấn, tăng 8,5%; modul camera 44 triệu cái, gấp 2,8 lần; tai nghe điện thoại di động 225 nghìn cái, gấp 2,6 lần; xe ô tô chở hàng 784 chiếc, tăng 22,9%...
Theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng tư toàn tỉnh ước tính tăng 7,13% so với cùng tháng năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng tư ước đạt 8.258,5 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng 4/2021. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo 8.091,9 tỷ đồng, tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện 116,6 tỷ đồng, tăng 19,8%…
Lũy kế, giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh ước đạt 30.525,7 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng ước đạt 177,7 tỷ đồng, giảm 7,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo 29.951,4 tỷ đồng, tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện 341,3 tỷ đồng, tăng 3,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 55,3 tỷ đồng, tăng 0,2%.
Mặc dù có sự tăng trưởng trong tháng tư, song ngành công nghiệp của tỉnh vẫn đang phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, trong khi đó chiến lược Zero COVID của Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukaraina... đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu gây khó khăn về nguồn cung phục vụ đầu vào, thị trường đầu ra, thiếu hụt lao động. Chính vì vậy, một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá trong tháng tư vẫn còn nhiều sản phẩm sản xuất giảm sút như: đá các loại 0,3 triệu m3, giảm 12,3%; thức ăn gia súc 1,6 nghìn tấn, giảm 27,6%; thép cán các loại 24 nghìn tấn, giảm 10,1%; kính máy ảnh 0,1 triệu cái, giảm 51,8%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 3,1 nghìn chiếc, giảm 43,5%; cần gạt nước ô tô 0,6 triệu chiếc, giảm 28,4%; nước máy thương phẩm 2,1 triệu m3, giảm 5,8%...
Điều này dẫn đến sản lượng tồn kho một số sản phẩm vẫn tăng cao như: giày dép 2,3 triệu đôi; đạm urê 4,6 nghìn tấn; phân hóa học NPK 32,0 nghìn tấn; phân lân nung chảy 11,7 nghìn tấn; kính nổi 79,1 nghìn tấn; xi măng 110,8 nghìn tấn; thanh, que sắt hoặc thép hợp kim được cán nóng 21,9 nghìn tấn; bản vi mạch điện tử 13,9 triệu chiếc; modul camera 13,5 triệu cái; xe ô tô lắp ráp 923 chiếc…
Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mặc dù có những tín hiệu tích cực từ kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp, nhưng những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn còn hiện hữu. Chính vì vậy, để đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm