Nhìn lại quý I của năm 2020 khi đại dịch COVOD-19 bùng phát, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng rất nặng nề, sản xuất giảm sút, doanh thu, kim ngạch xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng. Khó khăn lớn nhất ở giai đoạn đó phải kể đến thiếu nguồn cung nguyên liệu nhập từ thị trường Trung Quốc, nhất là nguyên liệu cho ngành dệt may. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp, cắt giảm nhiều dây chuyển sản xuất và hoạt động cầm chừng.
Bước sang quý II, dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, khó khăn thêm chồng chất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp thiếu đầu ra nghiêm trọng, hàng hóa không tiêu thụ được, tồn kho cao, dẫn đến hàng trăm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp buộc phải giảm công suất, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động như kính Tràng An, sản xuất thiết bị điện tử Silrang. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số lao động hoặc cho lao động nghỉ việc luân phiên. Số lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh bị chấm dứt hợp đồng lao động trong năm 2020 ước trên 17.600 người.
Tuy nhiên bắt đầu cuối quý III, khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, các thị trường đã tái khởi động, nhất là ở thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á. Những ngành nghề bị chịu tác động lớn nhất của dịch COVID-19 như giầy da, dệt may cũng bắt đầu ký được những hợp đồng mới.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ tháng 7 đến nay, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh các thị trường truyền thống đã ký kết trước đây, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm thêm các đơn hàng từ những thị trường nước ngoài mới và thị trường nội địa. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã ký kết được đơn hàng đến hết quý I và đầu quý II năm 2021. Sự phục hồi nhanh của các doanh nghiệp đã kéo theo cơ hội việc làm cho người lao động, nhiều lao động trước đây mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc đã trở lại làm việc ổn định.
Ông Park Sin Ho, Tổng giám đốc Công ty TNHH MCNex Vina cho biết: "Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Công ty bị thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn. Vì thế có thời điểm dây chuyền sản xuất của Công ty hoạt động cầm chừng và hơn 500 lao động phải tạm nghỉ việc. Trong bối cảnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Ban Quản lý các khu công nghiệp đã có những chỉ đạo kịp thời, phối hợp hiệu quả và nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, hoạt động của Công ty sớm phục hồi, sản xuất đã dần ổn định trở lại. Ngay trong tháng 6 và tháng 7, doanh nghiệp đã liên hệ mời gọi 100% lao động quay lại làm việc với mức bình quân trên 6,2 triệu đồng/tháng".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra nhưng với tốc độ phục hồi nhanh của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trong các KCN tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Doanh thu năm 2020 của các doanh nghiệp ước đạt 67.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và tăng 24% so với kế hoạch. Một số dự án tiếp tục sản xuất ổn định như nhà máy kính CFG, Camera module MCNex, ô tô Thành Công, xi măng Vissai...
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như ô tô, kính nổi, clinker, NPK, giầy vải, thanh phôi nhôm... có xu hướng tăng đều và đều đạt hoặc vượt kế hoạch năm 2020. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 11.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2019. Hiện có 40.242 lao động Việt Nam và 343 lao động nước ngoài đang làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh.
Với mục tiêu đặt ra trong năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp đạt trên 60.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho trên 3.500 lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án đã hoạt động tiếp tục sản xuất kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: Hồng Giang