Sáng 11/2, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Đồng chí Phùng Đức Tiến ,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT.
Trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19. Đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Năm 2021, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 515 triệu con, lợn 28 triệu con, bò 6,5 triệu con.
Năm 2021, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 457 nghìn con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con lợn, cao gấp 3,2 lần so với năm 2020.
Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn. Hiện nay, cả nước có 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 89 xã thuộc 18 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 3.406 con, số gia súc tiêu hủy là 349 con. Trong năm 2021, không phát sinh mới ổ dịch tai xanh tại các địa phương.
Bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 4.349 xã của 55 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 207.687 con, số gia súc tiêu hủy là 29.182 con.
Nhận định nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với động vật trên cạn, thủy sản tại các địa phương, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh đối với động vật trên cạn, thủy sản của Chính phủ.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y; tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng dịch trên đàn vật nuôi, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn.
Tại Ninh Bình, năm 2021, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và biến động thị trường. Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và bệnh cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện và gây bệnh cho các địa phương trong tỉnh; bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trở lại.
Giá thức ăn liên tục tăng và duy trì ở mức cao, trong khi đó giá bán sản phẩm chăn nuôi liên tục duy trì ở mức thấp so với giá thành sản xuất. Năm 2021, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) ước đạt 2.084,6 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2020, nguyên nhân do đàn gia cầm tăng về số lượng, sản lượng.
Tổng đàn trâu bò giảm nhẹ so với năm 2020 do ảnh hưởng của bệnh viêm da nổi cục. Thủy sản tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, khẳng định là mũi nhọn của ngành Nông nghiệp, phát triển mạnh cả về nuôi trồng và khai thác, cả nước ngọt và mặn lợ. Diện tích nuôi đạt trên 14,7 nghìn ha, tương đương với năm 2020, trong đó nuôi nước ngọt là 10,8 nghìn ha, mặn lợ là 3,9 nghìn ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 63,3 nghìn tấn, tăng 7,5% so với năm 2020.
Căn cứ các kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng và ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu lên những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật trong năm qua, những cố gắng trong việc duy trì sản lượng đàn vật nuôi cũng như khắc phục khó khăn trong dịch bệnh để đảm bảo công tác tái đàn, phục vụ thị trường tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao.