Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Tư pháp, Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp triển khai các nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có liên quan trực tiếp đến công tác giám định tư pháp như: Phạm vi của Luật Giám định tư pháp. Hồ sơ, thẩm quyền, trình tự thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên Tư pháp gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên Tư pháp.
Vấn đề bổ sung tổ chức giám định tư pháp; Công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Quyền và nghĩa vụ của giám định viên Tư pháp; Nghĩa vụ trưng cầu của người giám định; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp; Thời hạn giám định tư pháp, kết luận, hồ sơ giám định và nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, cơ quan Chính phủ, UBND cấp tỉnh đối với công tác giám định tư pháp; Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Bộ Tư pháp; thảo luận, trao đổi về các giải pháp để triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Tại Ninh Bình, UBND tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Luật cho đội ngũ người làm giám định, đội ngũ quản lý công tác giám định tư pháp và đội ngũ người tiến hành tố tụng. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến giám định tư pháp; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật.
Thực hiện rà soát, củng cố đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp. Phân công đơn vị làm đầu mối trong việc quản lý chung công tác giám định tư pháp ở từng lĩnh vực giám định. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp lý cho đội ngũ người làm giám định tư pháp. Kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp; kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm về giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh...
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ: Để thực hiện tốt, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Triển khai, quán triệt nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả Luật bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Xây dựng, quy trình, quy định giám định tư pháp. Kiện toàn đội ngũ giám định viên, giải quyết chế độ chính sách cho các giám định viên; Bố trí cơ sở vật chất phục vụ công tác giám định Tư pháp;
Chú trọng quan tâm vấn đề phối hợp thực hiện công tác giám định Tư pháp; Xử lý sớm các khó khăn vướng mắc trong giám định Tư pháp; Các cơ quan tiến hành tố tụng làm tốt công tác về yêu cầu giám định Tư pháp, tập huấn giám định Tư pháp cho các giám định viên...
Trần Dũng - Hoàng Hiệp