Tham dự có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại diện, lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan, thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư; các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị.
Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, địa hình đa dạng, hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú, có danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu đến năm 2035, xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ. Do vậy, việc xây dựng “Đề án xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ” là hết sức cần thiết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Đơn vị tư vấn là Viện Nhà ở và Phát triển đô thị (Viện kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng) trình bày báo cáo tóm tắt nội dung Đề án. Theo đó, bên cạnh đánh giá thực trạng phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình, Đề án cũng rà soát, đối chiếu theo các tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương, đánh giá những mặt mà tỉnh đã đạt được, cũng như chưa được. Trên cơ sở đó, Đề án đề xuất các nhiệm vụ, lộ trình trọng tâm, cụ thể để phát triển Ninh Bình đạt được các tiêu chí của đô
thị trực thuộc Trung ương, bao gồm: Xây dựng các chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý về quy hoạch; nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh Ninh Bình đối với vùng và cấp Quốc gia; nghiên cứu mô hình đơn vị hành chính đô thị trực thuộc Trung ương; đầu tư hạ tầng đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn về phân loại đô thị.
Tại hội nghị, các thành viên hội đồng tư vấn khẳng định tầm quan trọng của Đề án, đồng thời đánh giá các nội dung của Đề án mà đơn vị tư vấn xây dựng khá công phu, đảm bảo tính logic, khoa học; đã đánh giá đúng thực trạng, lợi thế so sánh, cơ hội, thách thức của tỉnh trong sự so sánh với các địa phương khác; các đề xuất cũng tương đối đồng bộ và khả thi.
Các đại biểu góp ý: Đây là đề án mang tính tích hợp cao của nhiều nhóm các tiêu chí: kinh tế, văn hóa, xã hội… nên cần có bộ tiêu chí đánh giá phù hợp. Cần thay đổi hoặc giải thích một số từ ngữ sao cho dễ hiểu hơn; cần thống nhất về thông tin, số liệu; bổ sung thêm các căn cứ pháp lý; đặc trưng, tính chất của đô thị di sản. Bổ sung, đánh giá toàn diện hơn về yếu tố tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; có thêm các đánh giá về thực trạng hạ tầng kết cấu kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó là các giải pháp bảo tồn, phát triển không gian xanh, sinh thái; làm rõ các yếu tố tác động khi xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ. Giải pháp, lộ trình thực hiện Đề án cũng phải rõ ràng hơn...
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo được Sở Xây dựng, Đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu, qua đó bổ sung, hoàn thiện Đề án trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong thời gian tới.