Đổi mới hành động
Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong trạng thái "bình thường mới", là năm hành động và quyết tâm tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã bám sát sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ đề năm 2022 "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính", với tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển".
Vấn đề được UBND tỉnh đặt lên hàng đầu khi triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Trong đó, xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, bao gồm cải cách trên tất cả các nội dung cụ thể như: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính với quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Do vậy, tỉnh luôn đặt yêu cầu rất cao đối với các sở, ban, ngành chức năng, các cấp chính quyền trong việc chấn chỉnh kỷ cương, tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì, tham dự hàng trăm phiên họp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tổng kết thực tiễn để có những biện pháp cụ thể, chỉ đạo kịp thời. Chỉ đạo các ngành thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt, ngay sau khi Tổng cục Thống kê thông báo số liệu ước tính tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,53% so với cùng kỳ và đạt 46,5% kế hoạch năm 2022. So với mục tiêu tăng trưởng của cả năm mà nghị quyết HĐND tỉnh đã đặt ra 7% thì kết quả đạt được vẫn còn thấp và đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây; UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn và thống nhất các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể các lĩnh vực sản xuất theo ngành, địa bàn phụ trách để nắm chắc tình hình, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phục hồi tăng trưởng, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng cả trước mắt và dài hạn.
Lần đầu tiên UBND tỉnh đã thực hiện chủ trương tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp định kỳ vào thứ Năm tuần cuối cùng của tháng để lắng nghe phản ánh, kiến nghị, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với quan điểm nhất quán là giải quyết nhanh, rõ, đúng pháp luật, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp với phương châm "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp" để thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá về chủ trương trên, nhiều doanh nhân trên địa bàn tỉnh đều thống nhất: Việc lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp theo định kỳ đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải; họ được người đứng đầu chính quyền lắng nghe, trao đổi, thảo luận về các ý tưởng mới, tạo dựng niềm tin, động lực giúp doanh nhân và nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Thông qua việc đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình triển khai dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp; những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thứ cấp và mong muốn của các nhà đầu tư đối với chính quyền..., các cấp, các ngành trong tỉnh đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Đánh giá cao sự đổi mới trong lãnh đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2022, ông Lê Đức Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Đây là việc mà cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải làm và nên làm thường xuyên để giúp chính quyền và doanh nghiệp gần nhau hơn. Qua các cuộc kiểm tra, tiếp xúc của những người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền, các sở, ngành sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp, giải quyết được những "điểm nghẽn" từ cơ sở sớm nhất, hiệu quả nhất. Điều này không chỉ giúp phục hồi nhanh chóng nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay mà từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Thay đổi tư duy
Thực tế cho thấy, sự quyết tâm từ phía chính quyền đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, chuyển từ tư duy chính quyền quản lý sang phục vụ, coi doanh nghiệp là đối tác và khách hàng của hệ thống dịch vụ công. Sự hài lòng của doanh nghiêp thực sự trở thành thước đo chuẩn mực đối với chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền.
Với tinh thần đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, quyết tâm cao và yêu cầu "truy đến cùng, giải quyết triệt để" các việc khó, việc còn tồn đọng, lãnh đạo UBND tỉnh cũng thường xuyên làm việc với Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp phù hợp cho từng thời điểm. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành cũng cần thẳng thắn nhìn nhận và thay đổi tư duy về cách tiếp cận với doanh nghiệp dưới góc độ là trách nhiệm, cùng tháo gỡ, cùng đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết tận gốc vấn đề còn tồn tại chứ không phải là sự quan tâm, tạo điều kiện.
Ông Wen Chung Pin, Giám đốc Công ty TNHH may Nien Hsing, KCN Khánh Phú cũng bày tỏ: Việc các ngành trong tỉnh tổ chức đối thoại thường niên với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng đã chứng tỏ mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp không phải là "quản lý, hỗ trợ" mà là "đối tác". Các doanh nghiệp đánh giá cao sự vào cuộc một cách mạnh mẽ, thiết thực, có hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước, kịp thời giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và bất ổn chính trị ở một số quốc gia đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.
Với sự quyết tâm và vào cuộc một cách mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đến thời điểm này có thể khẳng định tỉnh Ninh Bình có khả năng sớm hoàn thành 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu đạt cao. Từ những kết quả đã đạt được, các cơ quan chuyên môn của tỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 sẽ đạt và vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Kết quả này thể hiện sự tập trung cao, thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và có chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, đặc biệt là những việc khó, việc vướng, những việc phức tạp cơ bản được tháo gỡ.
Những nỗ lực trong việc đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền trong giai đoạn hiện nay là tiền đề và là cơ sở quan trọng để Ninh Bình thực hiện khát vọng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong hành trình thực hiện khát vọng phát triển, Ninh Bình cũng rất cần có sự đồng hành, đóng góp, chia sẻ, hiến kế của doanh nghiệp để cùng xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm
⇒ Kỳ 1: Cầu thị, lắng nghe và tháo gỡ thực chất
⇒ Kỳ 3: Tạo đột phá từ cải cách hành chính