⇒ Kỳ 1: Nghị quyết 05 - Đòn bẩy để nông nghiệp Ninh Bình "chuyển mình" mạnh mẽ: Tư duy đột phá
Bước phát triển nhanh của thủy sản nước mặn, lợ
Ở miền Bắc, từ dịp Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 3, tháng 4 thị trường rất khan hiếm tôm, mặc dù vẫn có tôm từ miền Nam chở ra nhưng phần đa là tôm đông lạnh nên người tiêu dùng không ưa chuộng. Thấy được tiềm năng thị trường tôm vụ đông là rất lớn, một số nông dân ven biển Kim Sơn đã tìm tòi, nghiên cứu đưa vào ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt, cho thu nhập 9-10 tỷ đồng/ha.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh, một trong những đơn vị đầu tiên đưa công nghệ sản xuất tôm vụ đông về Kim Sơn cho biết: Việc nuôi tôm trong nhà chóp nón với khung thép, lưới và nilon, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình nuôi sẽ giúp kiểm soát nhiệt độ, nước, thức ăn, vi sinh... từ đó duy trì môi trường sinh trưởng lý tưởng cho con tôm, không bị gián đoạn bởi khí hậu, thời tiết. Nhờ vậy mà tỷ lệ thành công đạt từ 80 - 100% vụ nuôi, có khả năng nuôi siêu thâm canh, nuôi quanh năm.
Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn, Yên Khánh (Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Trong nỗ lực tìm kiếm phương pháp nuôi tôm hiệu quả, khắc phục thách thức từ thời tiết, rủi ro của dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, chúng tôi cùng với bà con đã triển khai nhiều cách làm khác nhau như: nuôi tôm ao nổi, ao nhỏ, bể tròn; nuôi tôm 2-3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học hay công nghệ nuôi biofloc…
Trong đó, mô hình xây dựng nhà bạt được đánh giá là ưu việt nhất. Đây là một kỹ thuật mới nên trong quá trình triển khai, đội ngũ cán bộ chuyên môn của đơn vị luôn sát cánh cùng các hộ nuôi, từ khâu xây dựng nhà bạt đến khâu chăm sóc, phòng bệnh.
Chỉ cần 10 ha nhà bạt đưa vào sản xuất sẽ góp phần tăng sản lượng tôm toàn vùng lên khoảng 20%. Tuy nhiên, hàng tỷ đồng đầu tư ban đầu cho một khu nuôi tôm nhà bạt rộng 1 ha là một thách thức lớn về vốn đối với hộ nông dân. Do đó, các chính sách hỗ trợ sau khi có Nghị quyết 05 đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người nuôi tôm dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Nhờ vậy, dù mới manh nha hình thành từ năm 2015 nhưng hiện nay Ninh Bình có khoảng 40 ha nhà bạt với hàng chục hộ nuôi, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ tăng cường áp dụng các hình thức nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao nên sản lượng tôm của tỉnh ta hiện nay đã đạt con số hơn 2.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng là 1.290 tấn, tôm sú là 710 tấn.
Cùng với con tôm, nhờ lợi thế về tự nhiên (biển bồi, độ mặn thấp) và sự đầu tư nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, vài năm trở lại đây Kim Sơn đã phát triển trở thành "thủ phủ" ngao, hàu giống của khu vực phía Bắc. Mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 70 tỷ con ngao giống và 12 tỷ con hàu giống, mang về giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Mới đây, Sở Nông nghiệp & PTNT còn tiến hành cấp và dán tem truy xuất nguồn gốc QR CODE cho con nuôi này và làm việc với Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh để kết nối các đơn vị sản xuất hàu giống của Ninh Bình và các đơn vị sản xuất hàu thương phẩm của Quảng Ninh trong tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, một thông tin rất vui là đã có hộ dân ở xã Kim Trung bước đầu sản xuất thành công giống sò huyết và nuôi được sò huyết thương phẩm- một con nuôi đặc biệt giá trị.
Cùng với con tôm, con giống nhuyễn thể ở Kim Sơn phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị khác như: cua biển; ngao, hàu, sò huyết thương phẩm; cá diêu hồng; cá nác hoa, cá đốm nâu, cá chim vây vàng… Điều này kỳ vọng sẽ tạo ra một ngành sản xuất nghìn tỷ cho thủy sản mặn, lợ Ninh Bình trong thời gian không xa.
Biến khó khăn vùng trũng thành lợi thế
Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô là những địa phương có nhiều diện tích ruộng trũng, luôn trong tình trạng ngập úng vào vụ mùa, chỉ cấy được 1 vụ lúa ăn chắc nên đời sống của người dân những năm trước đây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, biến khó khăn thành lợi thế, các địa phương này đã tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng chuyển đổi với thu nhập cao, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2014, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, sau khi bàn bạc với gia đình, ông Bùi Đức Thịnh (thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn) mạnh dạn đầu tư chuyển 2,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả.
Ông Thịnh cho biết: Khởi nghiệp khi tuổi đã ngoài 50, đầu tư số vốn vài tỷ đồng là một quyết định mạo hiểm nhưng tôi tin vào năng lực của bản thân và hơn hết là tôi tin mảnh đất quê hương sẽ không phụ công người. Nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Thịnh lựa chọn áp dụng công nghệ cao vào việc nuôi trồng thủy sản. Ao nuôi là ao nổi, láng xi măng, với đầy đủ hệ thống máy bơm, sục khí, đẩy nước, máy bắn thức ăn… tất cả được kết nối tự động, có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, nguồn nước trong ao được xử lý bằng vi sinh nên hoàn toàn không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh… Sau một vài thất bại ban đầu do thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật, giờ đây trung bình cứ 7-9 tháng ông Thịnh thu hoạch 1 lứa cá, sản lượng từ 40-60 tấn, doanh thu 1,5- 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500-700 triệu đồng.
Để khuyến khích những người dân như ông Thịnh tham gia chuyển đổi, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ thực hiện cải tạo đất, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục và tiếp cận vốn vay cho người dân. Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật như nuôi ao nổi, công nghệ vi sinh biofloc... tới người nuôi.
Hiện nay, tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh ta đạt gần 11 nghìn ha (trong đó có gần 4 nghìn ha chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả), các hình thức nuôi thâm canh, chuyên canh trong ao nổi với các giống nuôi truyền thống như cá trắm cỏ, đen, chép, lai... đang thay thế dần phương thức nuôi quảng canh, thiếu hiệu quả trước kia. Năng suất nuôi thủy sản nước ngọt hiện bình quân khoảng từ 7-15 tấn/ha/năm, doanh thu từ 300-800 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống thì các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đối tượng thủy sản đặc sản cũng được người nuôi ưu tiên lựa chọn như nuôi trai lấy ngọc, ếch, ba ba, ốc nhồi, chạch để nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể khẳng định, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, những năm qua thủy sản Ninh Bình đã tăng trưởng nhanh cả ở vùng nước ngọt nội đồng và vùng mặn, lợ ven biển, tiếp tục là mũi nhọn, là động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 14,28 nghìn ha (tăng 3.500 ha so với 2015); tổng sản lượng đạt 58,8 nghìn tấn, tăng 41% so với năm 2015 (khai thác 6,5 nghìn tấn; nuôi trồng gần 52,3 nghìn tấn). Giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2020 đạt 1.897,1 tỷ đồng, chiếm 20,6% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.
Nguyễn Lựu
(còn nữa)
Kỳ 3: Những con số ấn tượng