“Trụ cột” trong chính sách giảm nghèo
Nhận thức tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo và hỗ trợ đối tượng chính sách, ngay từ năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng chung sức hỗ trợ, thúc đẩy nhóm yếu thế nhất trong xã hội vươn lên.
Thực tế đã chứng minh, qua 10 năm có sự “dẫn đường” của Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội được nâng lên.
Pháp luật và cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội được hoàn thiện. Nguồn vốn chính sách xã hội có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến nay đạt trên 373 nghìn tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị. Đặc biệt, 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước đã quan tâm cân đối, bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Chất lượng tín dụng CSXH được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp. Trong 10 năm qua, hơn 12,9 triệu lượt khách hàng đã được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; hơn 167 nghìn lượt khách hàng vay xây dựng nhà ở; 6,8 triệu lượt khách hàng vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 610 nghìn lượt học sinh, sinh viên vay vốn phục vụ nhu cầu học tập...
Tín dụng CSXH góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước, giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách an sinh xã hội, minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tại tỉnh Ninh Bình, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho gần 591 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt gần 12.054 tỷ đồng. Nguồn vốn góp phần giúp gần 81 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 78.630 lao động, 83 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ gần 1.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; xây dựng 348.571 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 1.700 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác tín dụng chính sách xã hội còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Nguồn vốn chưa thực sự đa dạng; chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn ủy thác tại một số địa phương, nguồn vốn có nguồn gốc từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn. Hiệu quả tín dụng ở một số vùng, địa phương còn thấp, tỷ lệ nợ quá hạn cao. Quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, chưa gắn kết với mô hình, dự án liên kết theo chuỗi, thiếu sự hỗ trợ đầu ra ổn định, bền vững. Việc chuyển đổi số của Ngân hàng CSXH còn hạn chế.
Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên được chỉ ra là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tín dụng CSXH chưa đầy đủ; chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Công tác phối hợp trong xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách chưa thực sự chặt chẽ; chưa gắn kết giữa mục tiêu với khả năng đáp ứng nguồn lực tài chính.
Cơ chế chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với hoạt động tín dụng CSXH còn thiếu đồng bộ; một số chính sách áp dụng chung trên toàn quốc chưa phù hợp với từng loại đối tượng, vùng, miền; chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ và nguyên tắc xác định nguồn vốn chủ đạo, phù hợp với đặc thù tín dụng CSXH; cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp để Ngân hàng CSXH tiếp cận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khống chế tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn hằng năm. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là của dịch COVID-19.
Sáu giải pháp trọng tâm
Bối cảnh tình hình mới, nhất là những tác động phức tạp, khó lường của các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cùng với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH.
Tại Chỉ thị số 39-CT/TW vừa ban hành, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng CSXH.
Thứ hai, nâng cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đối với tín dụng CSXH. Xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động nhận uỷ thác từ Ngân hàng CSXH...
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng CSXH theo hướng bao trùm, bền vững; đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo, vùng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030…
Thứ tư, ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hoá các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng CSXH, trong đó nguồn ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước là chủ đạo, nguồn uỷ thác từ các địa phương là quan trọng, đồng thời tăng cường huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.
Các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng CSXH, phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 15-20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng CSXH và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn. Tiếp tục duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng Nhà nước tại Ngân hàng CSXH.
Có cơ chế linh hoạt để huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước. Tăng cường huy động vốn từ tiền gửi, tiền vay, tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đẩy mạnh vận động đóng góp vào Quỹ "Vì người nghèo" để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH.
Thứ năm, phát triển Ngân hàng CSXH là định chế tài chính công, có khả năng tự chủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội của Nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần…
Thứ sáu, nghiên cứu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình tín dụng chính sách, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả.