Có được kết quả trên là do hàng năm, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh đều có văn bản hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả TSPL. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của TSPL đối với việc thực thi công vụ, quản lý, chỉ đạo, điều hành theo Hiến pháp và pháp luật.
Tiến hành rà soát, hệ thống hóa sách pháp luật và các tài liệu khác trong TSPL, đảm bảo sách pháp luật, tài liệu còn hiệu lực thi hành và thực hiện quản lý theo quy định về tài sản công.
Đến nay, toàn tỉnh có 855 TSPL, ngăn sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị với hơn 95.000 đầu sách pháp luật. Một số địa phương như huyện Hoa Lư, Yên Mô, Thành phố Ninh Bình đã xây dựng được TSPL, ngăn sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố.
Thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô đã xây dựng, thực hiện tốt quy chế TSPL để việc quản lý, khai thác TSPL đi vào nề nếp, hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, Sở Tư pháp đã trang bị 8.845 đầu sách pháp luật và 7.200 cuốn Bản tin Tư pháp cho TSPL của 145 xã, phường, thị trấn.
Ngoài việc nhận cấp phát bổ sung đầu sách pháp luật hằng năm của Sở Tư pháp, một số địa phương như huyện Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư đã tự trang bị, bổ sung thêm đầu sách pháp luật cho TSPL của các xã, thị trấn phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân và quá trình nghiên cứu, giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã.
Có thể khẳng định, TSPL đã thực sự đã trở thành một địa chỉ để người dân các xã, phường, thị trấn, cán bộ cơ quan, đơn vị đến tìm đọc, tra cứu thông tin khi có nhu cầu. Mô hình TSPL là một kênh cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, đầy đủ, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng các phương tiện truyền thông hiện đại thì mô hình TSPL đang dần bộc lộ những hạn chế, chưa phát huy được hết giá trị như mong đợi. Mô hình TSPL gặp phải không ít những khó khăn, thách thức trong việc tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tích cực của nó.
Ngay như ở huyện Hoa Lư là huyện có nhiều TSPL và việc quản lý, khai thác các TSPL có nhiều tiến bộ, mỗi tủ có khoảng 50 đến hơn 200 đầu sách về nhiều các lĩnh vực, như Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật…
Tuy vậy, nhưng năm gần đây, việc sử dụng, tìm đến để đọc các loại sách pháp luật của nhân dân đang có chiều hướng giảm. Tại một số xã, phường của thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, việc đầu tư cho mỗi tủ sách cao, nên ngoài các đầu sách pháp luật còn có nhiều sách thuộc các lĩnh vực như: y tế, nông nghiệp, văn hóa, sách khoa học, kỹ thuật, sách cho thiếu niên… Sách của các TSPL được sắp xếp khá gọn gàng, khoa học, giúp người đọc dễ tìm kiếm và thường được đặt ở nhà văn hóa phường, khu phố thuận tiện cho đông đảo người dân tìm đến đọc và tham khảo.
Tuy nhiên, người đến mượn và tham khảo sách ở các TSPL tại chỗ rất ít, phần lớn là cán bộ các tổ dân phố hoặc các đồng chí đang là Bí thư chi bộ, cán bộ, công chức, người dân rất ít sử dụng bởi khi cần tìm hiểu pháp luật về vấn đề quan tâm họ thường truy cập internet để tìm hiểu, vừa nhanh, vừa tiết kiệm thời gian. Không chỉ ở huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp mà thực trạng người dân đến đọc, tìm hiểu sách báo ở các TSPL của các địa phương khác cũng giảm hơn những năm trước.
Từ thực tế trên, cho thấy việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, quản lý và khai thác TSPL, là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân thông qua hoạt động của các TSPL. Thiết nghĩ, muốn đạt được yêu cầu đặt ra, các ngành, địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh khai thác, sử dụng hiệu quả các TSPL.
Ngoài TSPL truyền thống, nên phát triển các loại hình mới như ngăn sách tại trụ sở thôn, túi sách pháp luật cho các trưởng thôn ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; những nơi có ít điều kiện kết nối mạng internet để người dân tranh thủ ngoài thời gian lao động tìm hiểu, tham khảo.
Song song với đó, cần xây dựng các TSPL điện tử để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý của người đọc hiện nay.
Các địa phương cần chú trọng tới việc bổ sung mua sách, tài liệu mới để cung cấp cho TSPL, phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Định kỳ thực hiện luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu giữa các TSPL, giữa TSPL cấp xã, phường với các cơ quan, đơn vị như, bưu điện văn hóa xã, thư viện các trường học, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng…
Thực hiện tốt công tác xã hội hóa tủ sách bằng việc vận động cơ quan, tổ chức, người dân, bạn đọc tham gia đóng góp sách cho TSPL để phục vụ tốt hơn công tác thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở. TSPL cần đặt tại một vị trí thích hợp, sắp xếp có khoa học, mở cửa thường xuyên để cán bộ và nhân dân đến tìm đọc được thuận lợi.
Trần Mạnh Dũng