Cùng dự buổi triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử pháp lý" tại Nhà Văn hóa thành phố Tam Điệp nhận thấy sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo thành phố, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình, hào hứng của các thầy, cô giáo và các em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ và đông đảo người dân. Em Đinh Công Anh, một học sinh của trường chia sẻ, được tham dự buổi triển lãm, trực tiếp nghe và nhìn thấy tấm bản đồ và các tư liệu về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, đặc biệt là được nghe thuyết minh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam; hiểu rõ ý nghĩa của các hiện vật được lấy tại các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, em thấy thật thú vị, tự hào và nâng tầm hiểu biết lên rất nhiều về biển, đảo của đất nước mình. Em cho rằng, thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước, do đó cần phải hiểu rõ về lịch sử của dân tộc, nhất là chủ quyền biển, đảo quê hương, từ đó nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại các buổi triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu: "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý", Bảo tàng tỉnh Ninh Bình giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, bao gồm các tư liệu văn bản (các thư tịch cổ, châu bản triều Nguyễn); các tư liệu bản đồ; các tư liệu hình ảnh, công trình nghiên cứu, các hiện vật lịch sử. Đặc biệt, Bảo tàng Ninh Bình cũng giới thiệu 6 hiện vật là 6 phiến đá san hô là đá của 6 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa (trong số 21 phiến đá san hô lấy từ 21 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình). Các tư liệu, hình ảnh thể hiện tính pháp lý, tính sở hữu Nhà nước của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách chân thực, khách quan, khẳng định, biển, đảo là một phần "máu thịt" thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Từ năm 2011, Bảo tàng tỉnh đã sáng tạo không gian chuyên đề trưng bày "Đá chủ quyền" quần đảo Trường Sa ngay tại Bảo tàng. Trong không gian rộng chừng 20 m2, cán bộ Bảo tàng đã khéo léo sắp xếp các phiến đá tượng trưng cho các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa thẳng hàng, ngay ngắn và trang trọng (đây là những phiến đá được Bộ Tư lệnh Hải quân và nhân dân ở quần đảo Trường Sa trao tặng 21 phiến đá và các hình ảnh nói về đời sống sinh hoạt của các chiến sỹ và ngư dân trên đảo cho Bảo tàng Ninh Bình). Mỗi phiến đá đều là đá san hô tự nhiên có hình dạng khác nhau được lấy tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, như các đảo: Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa Đông, Đá Nam, Tiên Lữ, Núi Le A, Thuyền Chài A… Trên mỗi phiến đá được khắc tên, tọa độ của đảo và biểu tượng cột mốc chủ quyền có trang trí mặt trống đồng, tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng.
Trên 4 bức tường của không gian chuyên đề còn treo nhiều bức ảnh thể hiện cuộc sống, sinh hoạt giản dị, lạc quan của những người lính Hải quân và nhân dân trên đảo. Đồng thời còn có các bức ảnh thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đối với quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, phòng trưng bày có treo 2 tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" và "Đại Nam nhất thống toàn đồ" do nhà Thanh xuất bản năm 1904, trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, là minh chứng vô giá khẳng định chân lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Sau gần 8 năm trưng bày, không gian chuyên đề "Đá chủ quyền" quần đảo Trường Sa đã thu hút gần 120 nghìn lượt người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, góp phần nâng cao hiểu biết và lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình Nguyễn Xuân Khang cho biết thêm, nhằm lan tỏa hơn nữa tình yêu biển đảo, cùng với hoạt động trưng bày tại Bảo tàng, từ năm 2017, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các địa phương thực hiện chương trình "Đưa di sản xuống trường học". Trong đó kết hợp trưng bày các hiện vật di sản và các hiện vật về chủ quyền biển đảo tại các Nhà văn hóa huyện, thành phố và các nhà trường nhằm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường. Đặc biệt, đối với người dân và học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa, các xã còn khó khăn, Bảo tàng có các chương trình triển lãm lưu động "Trường Sa, Hoàng Sa - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý", đưa các hiện vật và hình ảnh tại không gian chuyên đề "Đá chủ quyền quần đảo Trường Sa" đến địa phương để trưng bày. Đến nay, Bảo tàng Ninh Bình đã tổ chức trưng bày lưu động tại gần chục xã và trên 10 trường học của các huyện Nho Quan, Yên Mô, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp, thu hút gần 4 nghìn cán bộ, học sinh và nhân dân địa phương đến xem, tìm hiểu.
Tiếp tục phát huy giá trị của không gian chuyên đề trưng bày "Đá chủ quyền" quần đảo Trường Sa, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình "Bảo tàng đến gần hơn với công chúng" và "Đưa di sản xuống trường học" nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm khơi dậy tình yêu và niềm tự hào về biển, đảo quê hương và khẳng định chủ quyền của nước ta trên biển Đông với những luận cứ xác thực, đầy đủ và sắc bén bằng các tư liệu, bản đồ và hình ảnh của phương Tây, của Trung Quốc và của Việt Nam. Qua đó nêu bật thông điệp - ngày nay và mãi mãi về sau, các thế hệ người Việt Nam luôn có trách nhiệm phải giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển, đảo của tổ tiên để lại, như lời Bác Hồ đã căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Bài, ảnh: Hoàng Lan