Đồng chí Lê Trần Hương, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Nho Quan cho biết: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số huyện Nho Quan đã yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương trên địa bàn huyện bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện để tổ chức triển khai nhiệm vụ trọng tâm của công tác chuyển đổi số, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số. Phương châm chỉ đạo xuyên suốt là không triển khai theo kiểu phong trào dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Một trong những giải pháp được huyện Nho Quan tập trung triển khai, đó là huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT), phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đây được xác định là giải pháp quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Theo đó, UBND huyện đã giao cho Văn phòng HĐND và UBND huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khảo sát, lên phương án số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu của các ngành trong huyện theo lộ trình của tỉnh để kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của Quốc gia và các bộ, ngành, địa phương khác, từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh như: Cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai; Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức… Huyện cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kết nối các hệ thống thông tin trọng yếu, dùng chung của huyện vào mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, đảm bảo ổn định, an toàn, thông suốt từ Trung ương đến cấp xã. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã đang duy trì hệ thống mạng LAN; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp huyện, tại cấp xã đạt khoảng 85%; 100% máy tính của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện; 82% máy tính của UBND các xã, thị trấn được cài đặt phần mềm diệt Virus bản quyền; 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã đã sử dụng mail công vụ trong việc trao đổi thông tin, tài liệu công vụ, qua đó nâng cao tính bảo mật, an toàn thông tin mạng.
Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện và cấp xã. Đến nay, 100% cơ quan đơn vị, 100% lãnh đạo cấp huyện, cấp xã áp dụng chữ ký số điện tử trong công tác ban hành văn bản theo quy định; tỷ lệ văn bản được triển khai hoàn toàn trên môi trường mạng đạt 86,3%.
Việc số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu của các ngành trong huyện đảm bảo theo lộ trình của tỉnh, đã kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của Quốc gia và các bộ, ngành. Tính đến nay, huyện đã chỉ đạo đăng tải lên Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh 392 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó 52% dịch vụ công mức độ 4; 21,9% dịch vụ công mức độ 3. Năm 2022, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 67.120 hồ sơ (cấp huyện 8.301 hồ sơ, cấp xã 58.819 hồ sơ), trong đó 88% hồ sơ tiếp nhận trực tuyến; 12% hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính, còn lại là hồ sơ tiếp nhận từ năm trước. 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn, không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Đầu tư phát triển hạ tầng gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính của huyện. Cá nhân, tổ chức khi đến nộp hồ sơ có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ qua mạng Internet; công dân có thể thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến, nộp phí trực tuyến và tiếp nhận kết quả tại nhà, giúp giảm chi phí, thời gian đi lại, hạn chế sự phiền hà. Đặc biệt, tinh thần, thái độ phục vụ của các cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, xóm 5, xã Gia Lâm cho biết: Tôi có nhu cầu chia tách đất cho con nên đến Trung tâm Một cửa liên thông huyện Nho Quan. Tại đây, tôi được các cán bộ Trung tâm hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo. Các quy định về thủ tục hồ sơ, trình tự, thời gian, lệ phí giải quyết công việc đều được niêm yết công khai tại Trung tâm giúp người dân có thể giám sát được quy trình tiếp nhận, trả hồ sơ của các cán bộ, công chức. Điều này thể hiện tính công khai, minh bạch của các cơ quan hành chính nhà nước trong CCHC và đem lại sự hài lòng của người dân khi đến giao dịch. Ngoài ra, tôi có thể nhận kết quả trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, do vậy rất thuận tiện và hữu ích đối với người già và ở xa trung tâm huyện như tôi.
Theo đồng chí Lê Trần Hương, mặc dù công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng, song vẫn còn những khó khăn, bất cập, nhất là khả năng tiếp cận và ứng dụng CNTT của người dân trong giải quyết các TTHC. Do vậy, trong thời gian tới, Văn phòng HĐND và UBND huyện sẽ tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng để người dân hiểu và tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Mặt khác, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, mạng di động 4G/5G, mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo điện đại, đồng bộ phục vụ phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện…
Bài, ảnh: Mai Lan