Đến thăm Trường Tiểu học Yên Quang (huyện Nho Quan) sau quá trình đầu tư xây dựng và nâng cấp, chúng tôi thật sự ấn tượng với diện mạo khang trang, sạch đẹp của ngôi trường.
Thầy giáo Trần Đình Sáng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Tiểu học Yên Quang hiện có 546 học sinh ở 19 nhóm lớp, trên 80% học sinh là người dân tộc Mường. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, từ năm 2021, nhà trường được đầu tư xây mới và cải tạo cơ sở vật chất toàn diện, bao gồm nhà học 2 tầng, nhà đa năng, nhà hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ khác, với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Tất cả các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2023, giúp khắc phục tình trạng thiếu phòng học trước đây. Bên cạnh đó, Trường còn được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học hiện đại như tivi, máy chiếu, máy tính, đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập.
Tháng 12/2023, Trường đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đầu năm 2024, một tin vui đã đến với bà con các thôn Đồi Ngọc, Thạch La, Bãi Lóng và Tiền Phong (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan) khi tuyến đường bê tông liên thôn rộng 5,5m, dài 1,65km được hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng thay thế hoàn toàn con đường đất nhỏ trước kia.
Chị Vũ Thị Nhung, Trưởng thôn Tiền Phong cho biết: “Trước đây, việc đi lại của bà con trong thôn vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nay, con đường đã được nâng cấp, không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn thúc đẩy giao thương, góp phần nâng cao đời sống của bà con; người dân ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”. Đây là 2 trong nhiều hạng mục công trình thuộc dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Nho Quan đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; giai đoạn I từ năm 2021- 2025, huyện Nho Quan có 7 xã (gồm: Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương) và 4 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (gồm: Đức Thành, Hồng Quang thuộc xã Xích Thổ và thôn 4, thôn 5 thuộc xã Phú Sơn) được thụ hưởng các dự án của Chương trình.
Đồng chí Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã nhanh chóng xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.
Tập trung sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông đến các trung tâm xã, đường liên xã, liên xóm; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trường, lớp học đạt chuẩn; các công trình thủy lợi kênh mương; nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn; hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc.
Theo phân bổ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2025, huyện Nho Quan được phê duyệt 28 công trình với nguồn vốn đầu tư là 70 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình, cùng với lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khác trong các chính sách dân tộc; đến nay, huyện đã và đang đầu tư xây dựng, cải tạo được 24 công trình (gồm: 7 công trình đường giao thông nông thôn, 5 công trình trường học, 4 công trình thủy lợi, 1 công trình điện nông thôn, 1 công trình nhà văn hóa thôn, 2 công trình trạm y tế, 2 công trình hạ tầng khác, sửa chữa 2 chợ); trong đó 18 công trình đã hoàn thành.
Từ việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội và đời sống người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện được cải thiện đáng kể; đồng thời, góp phần giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững, rút ngắn sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong địa bàn…
Hiện nay, tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện, 100% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 7/7 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (đạt 100%); tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ xã đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%.
Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo 2,95%, cận nghèo 3,58%. Đáng phấn khởi là 7/7 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Cúc Phương, Văn Phương); có 9/89 thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 8 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên.
Thời gian tới, huyện Nho Quan tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực triển khai các chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 sâu rộng đến đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi để có nhận thức đúng, tham gia tích cực, quyết tâm, kiên trì thực hiện hiệu quả.
Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vững chắc, liên vùng, kết nối với các địa phương, tạo động lực cho sự phát triển nhanh của huyện và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện các hạng mục công trình theo kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng công trình; tạo thuận lợi để các đơn vị sớm triển khai các dự án phục vụ người dân.