Năm nay mới 70 tuổi, song những trận đòn roi tra tấn của giặc trong suốt 7 năm bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo khiến cho sức khỏe của người lính già Trương Công Trứ kém đi nhiều. Ông kể lại, trong một trận đánh năm 1968, ông bị thương nặng ở chân và đầu, sau đó bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Trở về sau đợt trao trả tù binh năm 1973 bên sông Thạch Hãn với nhiều vết thương ở đầu, chân và bụng, giảm cả chục kg so với ngày nhập ngũ, song ông Trứ lao ngay vào cuộc chiến xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Gia đình ông sinh được 4 người con trai, đến nay các con ông đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Và tự hào hơn, khi cậu con trai út Trương Quý Ngọc của cựu tù Côn Đảo đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. "Ngọc là máy viên của tàu TS18-HDD. Nhiệm vụ của con trai tôi và đồng đội là vận chuyển vật liệu ra để xây dựng các đảo.
Những hòn đảo ngày nay được xây dựng xinh đẹp và ngày càng trù phú. Thật hạnh phúc, tự hào vì con trai tôi được góp sức mình vì sự phồn thịnh ấy của biển đảo quê hương"- ông Trứ nói. Mắt mờ, xem ti vi khó lắm. Vậy nên chiếc radio nhỏ xíu trở thành người bạn không thể thiếu của ông từ nhiều năm nay.
Ông Trứ bảo, ông rất thích nghe các chương trình, các phóng sự viết về cuộc sống, về việc thực hiện nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió của các cán bộ, chiến sỹ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Thiếu úy Trương Quý Ngọc sinh năm 1983. Tốt nghiệp THPT, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ, sau đó được đơn vị cử đi học Trung cấp kỹ thuật Hàng hải, chuyên ngành máy tàu.
Hai năm sau, khi tốt nghiệp anh được điều động ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa và gắn bó với hòn đảo xinh đẹp này cho đến nay. Hơn chục năm gắn bó với biển đảo, miệt mài với những chuyến đi, vậy nên thời gian mà Quý dành cho vợ con thực sự là hiếm hoi.
Chị Vũ Mỹ Lệ, vợ của thiếu úy Ngọc kể, chị vốn là công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận. Chị quen rồi yêu Ngọc cũng vào dịp anh trở về đất liền sau những chuyến đi biển. "Thời gian cho chúng tôi không nhiều, nhưng nhìn anh là tôi cảm nhận được sự chín chắn của một người lính dạn dày sương gió. Những lời tỏ tình của anh cũng mộc mạc, giản dị khiến tôi cảm động chỉ còn biết… gật đầu thôi.
Anh bảo, yêu và lấy lính, nhất là lính đảo thì người phụ nữ sẽ chịu thiệt thòi lắm đó. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, được yêu, được là vợ của lính đảo đó lại là niềm hạnh phúc, tự hào lớn mà không phải người phụ nữ nào cũng có được.
Vất vả đấy, thiệt thòi cũng có đấy, nhưng có thấm vào đâu so với những vất vả của các anh nơi đầu sóng, ngọn gió"- chị Lệ trải lòng. Hai con gái nhỏ của anh chị ra đời cách nhau chỉ hơn 1 năm.
Chị Lệ kể, cưới nhau từ năm 2009, sau một tháng phép là anh trở lại đơn vị. Xa nhau đằng đẵng vài năm trời, đến năm 2012, chị vào đơn vị thăm anh rồi mang thai đứa đầu.
Chị Lệ cười vui, cả hai đứa con đều là kết quả của những lần chị vào thăm anh. Cưới nhau 6 năm trời mà vợ chồng chưa lần nào được đón Tết cùng nhau. Từ khi mang thai con gái nhỏ đến nay cháu đã gần 1 năm rồi mà bố chưa biết mặt. "Vậy nhưng tình cảm bố con thiêng liêng lắm.
Mỗi ngày, con gái lớn đều bắt mẹ kể chuyện về bố, về những chú bộ đội quân phục chỉnh tề đi tuần dọc bờ biển…"- chị Lệ xúc động nói.
Tiếng chuông điện thoại của chị Lệ reo vang cắt ngang cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Anh Ngọc điện về, trong chập chờn sóng nước, chị Lệ nghe câu được câu chăng của anh, vậy mà chị vẫn "phiên dịch" trọn vẹn được nội dung cuộc điện thoại ấy cho bố mẹ chồng nghe. Chị bảo, anh Ngọc tranh thủ gọi về khi tàu anh vừa cập bờ. Anh muốn gì hay buồn nghĩ điều gì chị đều hiểu cả.
Vậy nên, đừng nói là được nghe "câu được câu chăng", mà ngay cả khi anh im lặng thì chị cũng hiểu anh đang nghĩ gì.
Vậy nên, chị tự động viên mình vững vàng để chăm sóc, dạy dỗ con nhỏ, chăm lo phụng dưỡng bố mẹ chồng. Chị bảo, có như vậy, anh Ngọc mới vững vàng nơi đảo xa, làm tốt nhiệm vụ của một người lính kiên trung với Tổ quốc.
Thu Hằng