Để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai hoạt động tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai sử dụng rộng rãi ứng dụng quản lý tín dụng chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn, tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng.
Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách (QLTDCS) là một phần mềm được cài đặt và chạy trên các thiết bị thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc IOS. Ứng dụng hỗ trợ tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm, chuyển khoản trả lãi, trả gốc... Qua đó, giúp việc giao dịch giữa Tổ TK&VV với cán bộ Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, ứng dụng QLTDCS còn có chức năng thông tin về văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ; các chương trình cho vay; số liệu hoạt động tín dụng chính sách của Tổ TK&VV; kết quả giao dịch; tra cứu biên lai thu lãi của tổ viên; thông tin địa bàn; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, điển hình và một số nội dung liên quan. Qua đó giúp ngân hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị nhận ủy thác theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hoạt động ủy thác cho vay.
Tại huyện Gia Viễn, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến cài đặt ứng dụng QLTDCS đã được đẩy mạnh. Nhờ đó, hết tháng 11/2024, đã có 262/272 tổ TK&VV trên địa bàn huyện thực hiện giao dịch thu nợ, thu lãi qua ứng dụng QLTDCS (đạt trên 96%).
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, chị Lê Thị Hải, Tổ trưởng Tổ TK&VV Hội Phụ nữ xóm 10, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn không chỉ giới thiệu chi tiết, cụ thể về các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH, mà còn có thể hướng dẫn, hỗ trợ hội viên làm thủ tục vay vốn nhanh gọn, thuận tiện mà không cần mang theo cả xấp tài liệu dày cộp như trước.
Chị Hải cho biết: Từ ngày Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai và hướng dẫn chúng tôi cài đặt, sử dụng ứng dụng QLTDCS, tôi thấy rất tiện lợi. Khi cài đặt ứng dụng này, hằng tháng, tôi nhập các thông tin về thu lãi, thu tiết kiệm của tổ để dễ dàng theo dõi. Ngoài ra, tôi còn có thể chuyển khoản trả gốc cho tổ viên trong tổ; quản lý tổ viên, số dư nợ, số lãi phải thanh toán, cung cấp thông tin cho tổ viên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
Thuận lợi hơn địa bàn nông thôn, khi mặt bằng chung tỷ lệ người dân tiếp cận sử dụng các thiết bị di động thông minh cao, hiện nay tại thành phố Ninh Bình, tỷ lệ tổ TK&VV thực hiện các giao dịch qua ứng dụng QLTDCS đã cơ bản đạt 100%.
Nhiều tổ trưởng tổ TV&VV trên địa bàn phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình đã sử dụng thành thạo, khai thác hiệu quả các tính năng của ứng dụng QLTDCS. Ảnh: Anh Tuấn
Bà Đinh Thị Khư, Tổ trưởng Tổ TK&VV khu phố 1, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: Tổ TK&VV của tôi có hơn 30 thành viên nhưng mỗi tháng đến kỳ thu lãi, tôi cũng phải mất 3-4 ngày vừa đi thu, vào số, tính toán... Trước làm thủ công, nhiều khi cộng đi cộng lại đến mấy lần mới chuẩn, mất rất nhiều thời gian. Từ khi triển khai ứng dụng QLTDCS, được các cán bộ Ngân hàng CSXH hướng dẫn tận tình, tôi đã nhanh chóng nắm bắt và áp dụng, ban đầu mới làm quen tôi vẫn đang thực hiện song song vừa quản lý số liệu trên giấy tờ vừa nhập số liệu trên ứng dụng để tránh sai sót nhưng tôi thấy công việc đã nhàn và nhanh hơn hẳn.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam về việc triển khai ứng dụng QLTDCS, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình đã xay dựng kế hoạch, quán triệt, triển khai cụ thể tại các đơn vị. Trong đó, rà soát, đánh giá năng lực các tổ trưởng Tổ TK&VV, thực hiện cơ cấu lại các tổ trưởng tổ TK&VV lớn tuổi không có khả năng sử dụng Smartphone để thực hiện giao dịch qua app. Tổ chức các buổi tập huấn, cài đặt ứng dụng cho các đối tượng bao gồm: các thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH; Chủ tịch UBND, cán bộ giảm nghèo các xã, phường, thị trấn; trưởng xóm; lãnh đạo hội cấp huyện, xã nhận ủy thác và Tổ trưởng tổ TK&VV. Với tinh thần triển khai tích cực, khẩn trương, trong tháng 11/2024 đã có 98% tổ trưởng tổ TV&VV trên toàn tỉnh thực hành thu lãi trên ứng dụng của Ngân hàng CSXH.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Ninh Bình tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dùng tiếp cận, sử dụng thành tạo, hiệu quả các tính năng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khi tiếp cận ứng dụng công nghệ này. Phấn đấu hết năm 2024 có 100% tổ TK&VV thực hiện các giao dịch qua ứng dụng QLTDCS, làm nền tảng để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, giao dịch số trong hoạt động tín dụng những năm tới, tạo thuận lợi, tiện ích cho người nghèo và các đối tượng trong diện thụ hưởng; chủ động nắm bắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng hiệu quả.