Đợt tiêm vắc xin Uốn ván-Bạch hầu cho trẻ 7 tuổi là một phần quan trọng trong chiến lược tiêm chủng mở rộng Quốc gia, nhằm duy trì và củng cố miễn dịch cho trẻ em khỏi những bệnh lý nguy hiểm như uốn ván và bạch hầu. Đây là những bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong nếu không được phòng ngừa kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Việc tiêm phòng vắc xin Uốn ván-Bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trở thành một yêu cầu quan trọng trong năm 2024 là do các quy định mới được Bộ Y tế ban hành: Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế quy định về danh mục các bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin bắt buộc; Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10/6/2024 của Bộ Y tế về kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024. Theo đó, phê duyệt triển khai vắc xin Uốn ván-Bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2024 với chỉ tiêu đạt tỷ lệ tiêm trên 90% cho trẻ 7 tuổi tại vùng triển khai, trong đó có tỉnh Ninh Bình.
Đợt tiêm này đóng vai trò thiết yếu trong việc phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ thành quả thanh toán bệnh Uốn ván-Bạch hầu. Cùng với đó, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin Uốn ván-Bạch hầu cho trẻ 7 tuổi đạt tỷ lệ trên 95% và tạo miễn dịch cộng đồng bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chiến dịch này còn góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo cộng đồng được bảo vệ an toàn, là minh chứng cho nỗ lực và trách nhiệm của ngànhY tế trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng trong việc xây dựng chính sách y tế cộng đồng.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra việc bảo quản vắc xin.
Để đợt tiêm đạt hiệu quả cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách tham mưu xây dựng dự thảo kế hoạch tiêm chủng, ban hành hướng dẫn triển khai chiến dịch, tổ chức tập huấn chuyên môn về triển khai tiêm vắc xin Td; cung cấp tài liệu truyền thông, dự trù và đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc xin và vật tư tiêm chủng.
Trung tâm cũng đã tiếp nhận và bảo quản vắc xin tại kho tỉnh, cấp phát cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông để vận động gia đình có con em trong độ tuổi tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh đó, Trung tâm luôn theo dõi, giám sát, hỗ trợ về chuyên môn trước, trong và sau chiến dịch; đồng thời hướng dẫn các đơn vị tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai chiến dịch theo đúng quy định.
Theo Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 29/11/2024 của UBND tỉnh về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Uốn ván-Bạch hầu (Td) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đối tượng tiêm vắc xin Td là trẻ 7 tuổi bao gồm học sinh lớp 2 năm học 2024-2025 tại các trường Tiểu học và trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng, với số lượng dự kiến khoảng 18.381 trẻ.
Đợt tiêm phòng vắc xin Uốn ván-Bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại tỉnh Ninh Bình sẽ được triển khai thành 2 đợt dựa trên tình trạng cung ứng vắc xin từ Trung ương,
Đợt 1 sẽ triển khai từ ngày 10/12 đến ngày 27/12/2024 tại thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô, Yên Khánh và Kim Sơn.
Đợt 2 sẽ triển khai tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư ngay sau khi được phân bổ vắc xin từ Trung ương.
Địa điểm tổ chức tiêm tại các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh, tiêm vét tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đối với các trường hợp không đi học hoặc hoãn tiêm.
Cũng theo bác sỹ Nguyễn Mai Thanh: Mũi tiêm này không chỉ giúp bổ sung và củng cố miễn dịch cho trẻ, mà còn bảo vệ trẻ trong suốt quá trình trưởng thành. Vì miễn dịch của trẻ 7 tuổi đối với bệnh bạch hầu và uốn ván từ các lần tiêm vắc xin trước đó dần suy giảm và cần được củng cố. Đặc biệt, khi 7 tuổi, trẻ đi học và có nguy cơ tiếp xúc cao với các yếu tố gây bệnh. Vì vậy, việc tiêm vắc xin là biện pháp thiết yếu để giúp trẻ khỏe mạnh, học tập và phát triển bình thường trong môi trường cộng đồng.
“Chúng tôi mong rằng các bậc phụ huynh sẽ đồng hành cùng các cơ quan y tế, đưa trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ sức khỏe của con em mình và cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh và an toàn”.