Năm 2021 là một năm đáng nhớ khi cả nước phải gồng mình chống chọi với dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, tổ chức Hội và nông dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, chung sức cùng cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của hội viên nông dân với những đức tính quý báu, làm nên nét đặc trưng như một "thương hiệu" của nông dân Ninh Bình thời 4.0.
Mang đậm những giá trị cốt lõi
Năm 2021 là năm kỷ niệm 91 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2021). Xuyên suốt hơn 9 thập kỷ, thông qua các phong trào yêu nước của giai cấp nông dân và hoạt động của tổ chức Hội đã đúc kết được nhiều bài học quý, đồng thời gìn giữ và bồi đắp những giá trị cốt lõi, được thừa kế qua nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Trong đó có những giá trị cốt lõi có sức sống vô cùng mạnh mẽ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Đó là tinh thần "Tương thân, tương ái" thông qua các hoạt động góp tiền của, công sức và nông sản tiếp tế cho các vùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Các cấp Hội đã cử cán bộ và vận động hội viên nông dân tự nguyện tham gia và duy trì hoạt động của hơn 2.000 tổ COVID-19 cộng đồng, gần 240 tổ nhân dân tự quản "Giữ chặt vùng xanh" và hàng trăm tổ xung kích tình nguyện với sự tham gia của hơn 4.000 hội viên nông dân các cấp để giúp chính quyền địa phương và ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Hàng nghìn hội viên nông dân "vùng xanh" tham gia giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng thực phẩm, nấu ăn tại các khu vực phong tỏa, các điểm cách ly ở các địa phương. Nhiều mô hình sáng tạo của nông dân đã được thực hiện có hiệu quả như "Tổ hỗ trợ nông vụ", "Chuyến xe 0 đồng" vận chuyển lúa cho nông dân xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn; "Gian hàng 0 đồng", "Bữa cơm 0 đồng" của Hội Nông dân xã Đồng Phong, huyện Nho Quan; mô hình "Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân" tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn... được phát triển, nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tham gia chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, các cấp Hội đã vận động cán bộ hội viên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ hơn 300 triệu đồng; hỗ trợ 500 suất quà cho hội viên nông dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng dịch COVID-19, 300 suất quà cho hội viên nông dân vùng dịch tại thành phố Hà Nội...
Đồng thời tổ chức hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản cho người nông dân trong và ngoài tỉnh. Không chỉ giàu tình yêu thương, sống vì tình vì nghĩa, trong những lúc các ngành kinh tế khác chao đảo vì ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành nông nghiệp và người nông dân vẫn miệt mài, cần cù lao động để đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra giá trị kinh tế cao, đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, trong năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 9.500 tỷ đồng, tăng 2,87% so với năm 2020. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 143 triệu đồng, vượt 2,14% kế hoạch. Năng suất lúa bình quân ước đạt 61,2 tạ/ha, tăng 0,16 tạ/ ha; Lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 72,5% diện tích gieo cấy, tăng 1,3 nghìn ha; hình thành vùng cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao với tổng sản lượng đạt 100,9 nghìn tấn, tăng 2,8% so với năm 2020. Sản xuất thủy sản tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, khẳng định là ngành mũi nhọn của ngành nông nghiệp, sản lượng ước đạt 63,3 nghìn tấn, tăng 7,5%.
Mô hình nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau an toàn tại Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Xanh.
Hướng đến xây dựng thế hệ nông dân 4.0
Quan tâm giữ gìn những truyền thống quý báu của con người Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng, nông dân Ninh Bình giờ đây còn linh hoạt, sáng tạo và dễ dàng thích ứng với thị trường, công nghệ, hướng đến xây dựng một thế hệ nông dân 4.0. Minh chứng rõ nét là ngày càng nhiều những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những khái niệm về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, hay sàn thương mại điện tử không còn là điều mơ hồ với người nông dân trong tỉnh.
Những năm qua, hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai, đem đến một "luồng gió mới" để người nông dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học, dần bắt kịp với công nghệ hiện đại của thế giới. Tiêu biểu như: mô hình canh tác lúa cải tiến, thân thiện với môi trường (SRI) do Hội Nông dân tỉnh triển khai tại 4 xã Ninh Hòa, Ninh Giang (Hoa Lư), xã Khánh Trung, Khánh Cường (Yên Khánh) - đây là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới; mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái của HTX Quyết Trung (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh); mô hình trồng đào áp dụng công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan; mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao của nông dân vùng ven biển huyện Kim Sơn; hay những thành công bước đầu của việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart của nông dân xã Yên Hòa (huyện Yên Mô)...
Hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ nông dân Ninh Bình trong thời kỳ mới, đáp ứng mục tiêu của tỉnh ta hướng đến nền nông nghiệp đặc hữu, thông minh, phục vụ du lịch thì vai trò nòng cốt được giao cho Hội nông dân các cấp trong tỉnh.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Năm qua, Hội nông dân các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, xây dựng giai cấp nông dân và người nông dân Ninh Bình một cách toàn diện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các cấp Hội đã tổ chức đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho nông dân. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật với nhiều nội dung thiết thực như: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi an toàn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản, dịch tả lợn châu Phi, phòng chống dịch COVID - 19...
Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; tập huấn kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ và tiêu thụ hàng hóa. Trong năm, Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với Viễn thông Ninh Bình hỗ trợ 248.000 mã tem điện tử truy xuất nguồn gốc và thương hiệu sản phẩm cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn của hội viên nông dân lên sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART. Trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, các cấp Hội quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Năm 2021, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh tăng trưởng 4,2 tỷ đồng; 8/8 huyện được ngân sách huyện cấp bổ sung tăng trưởng nguồn vốn trên 1,2 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 43.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 22 nghìn hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 770 tỷ đồng; thỏa thuận liên ngành với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank cấp huyện cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ 2.001 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp cũng đẩy mạnh hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp cho nông dân...
Nhờ những hoạt động toàn diện và động bộ của các cấp Hội, trong năm 2021, tình hình hội viên nông dân được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 132 nghìn hội viên nông dân, trong năm có gần 29 nghìn hội viên nông dân đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp. Bằng những việc làm thiết thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động an sinh xã hội đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người nông dân, hướng đến xây dựng "thương hiệu" nông dân Ninh Bình trong thời công nghệ 4.0- giàu nghĩa tình, lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, đóng góp đắc lực cho sự phát triển của quê hương, đất nước.