PV: Xin đồng chí cho biết khái quát tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?
Đại tá Tống Như Sơn: Ninh Bình là tỉnh có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như tuyến QL1A, QL10, QL12B, tuyến đường sắt Bắc Nam... Đây là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, song cũng tiềm ẩn phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy, nhất là tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, thời gian qua xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như homestay, nhà nghỉ, khách sạn, quán bar, vũ trường… tiềm ẩn tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh để chứa chấp, sử dụng, tổ chức sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy.
Qua công tác đấu tranh cho thấy, tính chất, mức độ phạm tội của tội phạm ma túy ngày càng manh động và nguy hiểm hơn; phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhiều đối tượng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện truy bắt, nhất là số đã có tiền án, tiền sự, nhiễm HIV/AIDS.
Trên địa bàn, hoạt động mua bán trái phép chất ma túy chỉ mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu là các đối tượng mua ma túy về sử dụng rồi chia nhỏ, bán lại cho các đối tượng khác để lấy tiền tiếp tục mua ma túy về sử dụng; không có địa bàn trồng cây có chứa chất ma túy; không có băng, ổ nhóm hoạt động phức tạp, không có tụ điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong nhân dân.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 887 người nghiện ma túy ngoài xã hội có hồ sơ quản lý, có 522 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý; 135/143 xã, phường, thị trấn có đối tượng ma túy ngoài xã hội.
PV: Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã triển khai, thực hiện các giải pháp trọng tâm gì để đấu tranh hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy, thưa đồng chí?
Đại tá Tống Như Sơn: Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 36- CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, các trường học trên địa bàn tỉnh.
6 tháng đầu năm 2024, đã tuyên truyền cho hơn 10.000 người là công nhân, người dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá".
Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Phấn đấu trong năm 2024, mỗi đơn vị Công an cấp huyện xây dựng thành công ít nhất 1 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Đặc biệt, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung đấu tranh quyết liệt với số đối tượng mua bán, vận chuyển, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Qua đó, tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã bắt, xử lý 890 vụ, 968 đối tượng vi phạm và phạm tội về ma túy; thu giữ gần 5kg ma túy các loại và nhiều vật chứng có liên quan đến vi phạm và phạm tội về ma túy. Đã khởi tố 195 vụ, 222 bị can và xử lý hành chính 695 vụ, 746 đối tượng. Cùng với đó, các đơn vị Công an trong tỉnh đã lập hồ sơ cai nghiện và quản lý người sử dụng ma túy đối với 139 trường hợp.
Thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt các giải pháp trên, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác phòng ngừa và ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa; chủ động nắm chắc tình hình, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy với phương châm "chặt cung, giảm cầu", bắt cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không để hình thành điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Đặc biệt, trong tháng 6 - Tháng hành động phòng, chống ma túy và hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy" 26/6, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị để phấn đấu thực hiện, đảm bảo hiệu quả.
PV: Thực tế cho thấy, Ninh Bình đã và đang thực hiện rất tốt mô hình "Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy". Đồng chí có thể chia sẻ những cách làm Công an tỉnh đã triển khai, thực hiện để đạt được điều này?
Đại tá Tống Như Sơn: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình "Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy" từ năm 2021, trong đó đã phối hợp với chính quyền các cấp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào thực hiện mô hình.
Hàng năm, Công an tỉnh đều chủ động ban hành kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy và yêu cầu Công an cấp huyện chủ động rà soát đăng ký xây dựng các xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
Chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đấu tranh mạnh với tội phạm ma túy, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; làm tốt công tác rà soát, phân loại, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy theo các quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Công an cấp huyện và Công an cấp xã thực hiện các tiêu chí "Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy" theo kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh.
Cùng với đó, Công an các xã, phường, thị trấn được lựa chọn xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng xã không có tệ nạn ma túy; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong tấn công, trấp áp tội phạm về ma túy.
Do đó đến nay, toàn tỉnh có 31 đơn vị đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn, trong đó có 20 đơn vị đã thực hiện thành công và đang duy trì tốt, không để phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy mới. 11 đơn vị đang tiếp tục thực hiện và phấn đấu trong năm 2024 sẽ xây dựng thành công thêm 11 đơn vị này.
PV: Thưa đồng chí, hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy mới, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Để phòng, tránh các loại ma túy mới cho giới trẻ, Công an tỉnh có khuyến cáo gì?
Đại tá Tống Như Sơn: Qua đấu tranh, có thể thấy các loại ma túy mới, ma túy "núp bóng" được tạo ra với nhiều tên gọi, mẫu mã, chất ma túy khác nhau, chủ yếu tồn tại dưới dạng thực phẩm, đồ uống (bánh kẹo, cà phê, nước vui, nước hoa quả, nước đông trùng…); dạng thuốc lá dùng để hút (thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới), thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc khô và dạng sản phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.
Để phòng, tránh các loại ma túy mới trong giới trẻ, mọi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy.
Giáo dục, quản lý, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, mua bán, sử dụng các chất ma túy. Thường xuyên quan tâm đến những biểu hiện về tâm sinh lý của con, em để sớm phát hiện những bất thường và để kịp thời có biện pháp giải quyết. Nếu phát hiện có trường hợp cá nhân, tổ chức nào có hành vi liên quan đến tội phạm về ma túy, đề nghị người dân báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để hỗ trợ, xử lý kịp thời. PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Bài, ảnh: Kiều Ân