Dự kiến, Dự án đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên sẽ hoàn thành và được Bộ GTVT cho phép hoạt động trở lại từ ngày 2/12.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay đi, đến sân bay Điện Biên, tổ chức bán vé phù hợp.
Cục Hàng không cũng yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) sớm tổ chức đánh giá, trang bị thêm thiết bị liên lạc VHF thoại không - địa theo hình thức thích hợp đảm bảo tầm phủ, khắc phục vùng không có sóng trong khu vực sân bay Điện Biên để triển khai các quy trình, thủ tục liên quan nhằm đảm bảo sẵn sàng đưa vào khai thác.
Đồng thời, khẩn trương triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng (AWOS) mới để triển khai các quy trình, thủ tục liên quan; sớm bổ sung, điều chỉnh các phương thức bay tại sân bay Điện Biên.
Cùng đó, phối hợp với Cục Hàng không và các đơn vị liên quan để triển khai, thực hiện đánh giá bằng hệ thống huấn luyện bay giả định (SIM); bay đánh giá phương thức bay và rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Cảng Hàng không Điện Biên mới trong quy chế bay khu vực sân bay Điện Biên.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được khởi công từ ngày 22/1/2022.
Mục tiêu của dự án là nâng cấp hạ tầng sân bay, đáp ứng khai thác được các máy bay Airbus A320, A321 và tương đương; nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Sân bay Điện Biên được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Hiện nay sân bay Điện Biên có một đường băng và ba vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 khách/năm.
(VTV)