Năm 2022, trước những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, Sở Công Thương đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, qua đó góp phần thúc phát triển công nghiệp và thương mại của tỉnh.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 99.560,2 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 46.415 tỷ đồng, tăng 11,7% so với ước thực hiện năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục có bước tăng trưởng khá, ước đạt 3.150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,5% so với kế hoạch năm.
Sở Công Thương cũng đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 10 quyết định, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Đồng thời, phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược chính sách, Bộ Công Thương xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành.
Ngoài ra, để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, Sở Công Thương đã thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích 680,78 ha, trong đó 14 cụm đi vào hoạt động với tổng diện tích 530,5068 ha, thu hút 100 dự án thứ cấp và 256 hộ sản xuất, kinh doanh với tổng số lao động là 30.833 lao động.
Sở Công Thương cũng là một trong những đơn vị trong tốp đầu của tỉnh tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất với các chỉ tiêu phấn đấu của ngành Công Thương năm 2023.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt 109.700 tỷ đồng, tăng 10,1% so với ước thực hiện năm 2022; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 51.057 tỷ đồng, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2022; kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 3.250 triệu USD, tăng 3,1% so với ước thực hiện năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành Công Thương trong năm 2022. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm vừa qua là một năm với nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển, đẩy mạnh sản xuất, nhờ đó sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với năm trước. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Công Thương tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát huy tối đa công suất hiện có của các nhà máy; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, nâng cao giá trị tăng thêm trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực, thu hút các dự án, nhất là các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và đóng góp ngân sách lớn.
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo môi trường cảnh quan, điều kiện sản xuất.
Tiếp tục phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, xây dựng các giải pháp cân đối cung - cầu. Tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác bình ổn giá.
Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước theo chuyên đề, nhất là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, an toàn thực phẩm, bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trước mắt, tập trung làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, bình ổn thị trường giúp cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui vẻ, đầm ấm.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn