Chiều 30/12, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND (Chỉ thị 04) ngày 15/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04, Ban Chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản tỉnh đã được thành lập với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo 13 sở, ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, tập trung thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân về tác hại của hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản; các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Các lực lượng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, đặc biệt lực lượng công an,trong đó trực tiếp là công an cấp xã đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhắc nhở, ký cam kết, tích cực phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng xung điện để khai thác thủy sản. Đến hết tháng 11/2024, đã phát hiện 1.420 vụ, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 885 vụ, nộp Kho bạc Nhà nước gần 3,5 tỷ đồng, củng cố hồ sơ 551vụ.
Đối với công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, từ tháng 4/2021 đến nay, toàn tỉnh đã thả gần 1,4 triệu con cá các loại về các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng biểu dương, ghi nhận các lực lượng, đặc biệt là ngành công an, bộ đội biên phòng, nông nghiệp đã vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác quản lý, ngăn chặn nạn sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản, qua đó góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh định hướng trong thời gian tới của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, một nơi đáng sống, có bản sắc riêng, với thiên nhiên trong lành, tươi đẹp.
Do vậy, kế thừa những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cần tiếp tục kiên trì làm tốt việc ngăn chặn triệt để nạn sử dụng ngư cụ cấm, mang tính chất hủy diệt trong đánh bắt thủy sản; nạn bẫy bắt chim hoang dã. Cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên, những người có uy tín trong cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là việc làm nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, thống kê các đối tượng sinh sống, hành nghề đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn tỉnh, để xuất các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm, chuyển đổi sinh kế nhằm giảm áp lực khai thác lên tự nhiên, giải quyết tận gốc vấn đề.