Hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài giờ chính khoá là nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh nhằm giúp các em ôn luyện thêm kiến thức đã được học chính khoá, đồng thời chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Để nâng cao chất lượng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vừa đảm bảo được quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Thành Công, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Phóng viên (PV):Xin đồng chí cho biết về công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Đồng chí (Đ/c) Phan Thành Công: Trước khi Thông tư 29/2024/TTBGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) có hiệu lực thi hành, hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc theo các quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012, Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; các quy định của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/ QĐ-UBND ngày 19/9/2012, Quyết định số 08/2014/ QĐ-UBND ngày 28/3/2014, Quyết định số 05/2020/QĐUBND.
Tăng cường công tác quản lí DTHT, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, trong đó đã quy định không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, các trường trung học không dạy thêm quá 4 buổi/tuần; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lí hoạt động DTHT ngoài nhà trường…
Có thể nói, hệ thống văn bản của Tỉnh, của Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn về công tác dạy thêm, học thêm trước khi có Thông tư 29 là đầy đủ, đồng bộ, phù hợp quy định của Bộ GDĐT, thuận lợi cho các nhà trường trong triển khai thực hiện.
Việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã tuân thủ nghiêm các quy định và hướng dẫn của Bộ, của tỉnh: Các lớp dạy thêm, học thêm được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và thỏa thuận với cha mẹ học sinh; kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường được thực hiện theo đúng quy định của tỉnh. Sở GDĐT đã tập trung chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lí, quản trị nhà trường cho cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục, nhất là công tác quản lí tài chính, tài sản để công tác dạy thêm, học thêm trong nhà trường được thực hiện dân chủ, công khai, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người học, người dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này phải tuân thủ các quy định của Pháp luật về kinh doanh dịch vụ giáo dục và chịu sự quản lý của địa phương và các ngành theo phân cấp. Nhìn chung, hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cơ bản đảm bảo quy định, chưa phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tiết thực hành môn Vật lý của thầy và trò Trường THPT Kim Sơn A. Ảnh: Minh Quang
PV:Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TTBGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành từ 14/2/2025 thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012. Xin đồng chí cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có những giải pháp như thế nào trong thực hiện Thông tư 29 hiệu quả, thực chất?
Đ/c Phan Thành Công: Thông tư 29 quy định về DTHT có hiệu lực từ 14/2/2025 là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước về DTHT. Nội dung Thông tư có nhiều quy định mới, cụ thể hơn so với trước đây, trong đó một số điểm mới quan trọng: Dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền và chỉ phục vụ các nhóm học sinh yếu (chưa đạt yêu cầu của chương trình), bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc ôn thi cuối cấp; giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh của mình được nhà trường phân công dạy chính khoá; quy định chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ dạy học thêm ngoài nhà trường…
Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Thông tư số 29, yêu cầu các cơ sở giáo dục quán triệt nội dung Thông tư đến đội ngũ cán bộ, giáo viên; phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến học sinh, cha mẹ học sinh và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GDĐT.
Sở GDĐT cũng đang chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tham mưu hoàn thiện Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm để làm cơ sở cho công tác quản lí và thực hiện trên địa bàn tỉnh thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp với Sở Tài chính rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách làm cơ sở cho việc tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác dạy thêm trong nhà trường.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác quản lý, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tinh thần của Thông tư 29 là: nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, giảm việc dạy thêm, học thêm không cần thiết trong nhà trường.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở đã triển khai thí điểm dạy học chính khóa 5 ngày/tuần đối với cấp Trung học, kết quả cho thấy sự phù hợp, tính hiệu quả và sự đồng thuận cao; trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn triển khai phạm vi toàn tỉnh từ ngày 10/3/2025; chỉ đạo các trường tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng cho học sinh ngoài giờ chính khóa.
Tổ chức Lễ Phát động phong trào tự học đối với học sinh phổ thông, chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GNN-GDTX xây dựng hệ thống trực tuyến, triển khai xây dựng học liệu số hỗ trợ học sinh tự học và ôn thi tốt nghiệp THPT thuận lợi mọi lúc, mọi nơi khi có kết nối internet. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường sự phối hợp với gia đình học sinh trong việc quản lí, hỗ trợ học sinh tự học ở nhà…
Để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về DTHT, Sở tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, trong đó lồng ghép nội dung kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư 29. Sở GDĐT đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác quản lí và tổ chức hoạt động DTHT năm 2025 đối với cơ quan quản lí cấp huyện, các cơ sở giáo dục, các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ DTHT và sẽ thực hiện từ đầu tháng 4/2025.
PV:Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào nhằm phát huy tính tích cực của Thông tư 29 và thực hiện hiệu quả việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Phan Thành Công: Thời gian tới, để hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả và tính tích cực của Thông tư số 29. Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tập trung vào một số giải pháp sau: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các quy định của Thông tư 29 tới học sinh, phụ huynh, giáo viên và Nhân dân, đặc biệt là các quy định về việc tổ chức DTHT một cách minh bạch và công bằng.
Các hoạt động tuyên truyền thực hiện thông qua các hội nghị, cuộc họp phụ huynh, phối hợp của các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tăng cường công tác quản lý: Yêu cầu các cơ sở giáo dục, các cơ sở kinh doanh DTHT thực hiện nghiêm quy định của Thông tư 29 và các quy định của UBND tỉnh, đặc biệt là các yêu cầu về công khai, minh bạch và chấp hành quy định về thông tin, báo cáo đối với cơ quan quản lý; Sở GDĐT phối hợp các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động DTHT theo đúng chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh quy định, bám sát kế hoạch kiểm tra đã ban hành, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); phát huy hiệu quả quyền giám sát của chính quyền cơ sở (thôn/ xóm/phố) và Nhân dân đối với hoạt động DTHT ngoài nhà trường, góp phần đảm bảo Thông tư 29 được thực hiện nghiêm túc.
Tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng dạy học chính khóa, tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, trong đó tăng cường ứng dụng các nền tảng số, học liệu số hỗ trợ học sinh tự học… Để thực hiện tốt Thông tư 29, bên cạnh sự quyết tâm của ngành Giáo dục, cũng rất cần sự vào cuộc, đồng hành của các cấp, các ngành, của gia đình học sinh và xã hội...