Trong những năm qua, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của cơ quan Tư pháp và ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, chất lượng. Mạng lưới hòa giải được củng cố rộng khắp ở 100% thôn, xóm, bản, tổ dân phố.
Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư cơ bản được giải quyết; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.678 tổ hòa giải/1.673 thôn, tổ dân phố với 10.580 hòa giải viên; trong 5 năm qua, các tổ hòa giải đã tiếp nhập 5.450 vụ việc, hòa giải thành 4.630 vụ việc, đạt 85%; số vụ việc hòa giải không thành 820 vụ việc, chiếm 15%. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức " Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác hòa giải ở cơ sở. Đội ngũ hòa giải viên tuy số lượng đông nhưng trình độ chuyên môn của các hòa giải viên còn hạn chế. Một số tổ hòa giải còn hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc hòa giải ở cơ sở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của các hòa giải viên. Có địa phương chưa đầu tư kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải, chưa có kinh phí chi cho thù lao các vụ hòa giải. Công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên chưa được thực hiện thường xuyên. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một số cán bộ cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác hòa giải còn hạn chế. Một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở còn chung chung, khó áp dụng. Một số nơi có nhiều người dân tộc, người theo đạo, trình độ dân trí không đồng đều nên việc giải thích, thuyết phục, trong hoạt động hòa giải hiệu quả chưa cao…
Để khắc phục tồn tại, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở đến đông đảo nhân dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên. Làm tốt công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên. Gắn việc thực hiện hòa giải ở cơ sở với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt cho công tác hòa giải ở cơ sở, giúp cho công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trần Dũng