Từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được Unesco ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch tăng cao. Tính riêng năm 2018 số khách đến du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,3 triệu lượt khách, tăng 2,9% so với năm 2017. Doanh thu du lịch ước đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19%. Nhu cầu lưu trú của khách du lịch tại các khu, điểm du lịch là rất lớn. Đặc biệt là nhu cầu lưu trú của khách du lịch tại nhà dân để tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa, tự nhiên, phong tục, tập quán của địa phương ngày càng tăng. Đây là loại hình vốn đầu tư ít, chủ yếu tập trung ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, gồm các khu du lịch sinh thái có xen kẽ cộng đồng dân cư sinh sống với giá cả phù hợp…
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 215 cơ sở kinh doanh homestay với 1.270 phòng ngủ, các hộ kinh doanh đầu tư cơ sở vật chất cơ bản theo quy mô nhỏ, chủ yếu do gia đình trực tiếp quản lý và phục vụ. Bước đầu, loại hình dịch vụ này đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, dịch vụ cung cấp cho khách còn đơn giản, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ còn hạn chế, phần lớn mới chỉ tập trung vào kinh doanh lưu trú, chưa khai thác thêm được các dịch vụ bổ sung và trải nghiệm cuộc sống nông thôn cho khách du lịch. Đặc biệt, một số hộ, cơ sở kinh doanh đã vi phạm quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An. Trong đó, vi phạm về: kinh doanh lưu trú du lịch tại khu vực không được phép kinh doanh dịch vụ lưu trú, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh lưu trú không đủ điều kiện… làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và bền vững của Di sản.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song nguyên nhân chủ yếu là các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ, việc kiểm tra, xử lý vi phạm không nghiêm, thiếu kiên quyết, dứt điểm, có biểu hiện né tránh, ngại va chạm.
Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) trên địa bàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh đảm bảo các điều kiện theo quy định của Nhà nước. Bồi dưỡng đội ngũ nhân viên phục vụ tại các cơ sở này để từng bước đáp ứng yêu cầu. Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cấp giấy chứng nhận và tập huấn về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, khai báo tạm trú, tạm vắng, đảm bảo vệ sinh môi trường… Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh sử dụng mẫu thiết kế nhà ở miễn phí theo Quyết định 579 của UBND tỉnh. Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành quy định của Nhà nước với các cơ sở kinh doanh homestay, xử lý nghiêm vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hộ không đủ điều kiện. Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Quyết định 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Nguyễn Kim