Trên cơ sở của Đề án, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; tích cực phối hợp trong công tác PBGDPL. Nội dung PBGDPL đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.
Nhận thức, ý thức tìm hiểu, tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng cao; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Những văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội đã được tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phổ biến đa dạng, phong phú. Một số mô hình PBGDPL mới, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng đơn vị, địa phương đã được hình thành. Thực hiện "Ngày Pháp luật Việt Nam" là nét mới trong sinh hoạt văn hóa pháp lý của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; định kỳ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kỹ năng phổ biến pháp luật. Kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác PBGDPL được các đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư tốt hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án chưa được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Việc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được chú trọng phối hợp tổ chức thực hiện (chủ yếu là ngành quản lý đối tượng đặc thù nào thì ngành đó thực hiện). Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng chưa nhân rộng. Hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, cuộc họp vẫn còn chiếm ưu thế.
Một số hình thức PBGDPL qua sinh hoạt của Câu lạc bộ pháp luật chưa có hiệu quả rõ nét; vai trò của tủ sách pháp luật truyền thống ngày càng mờ nhạt trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.
Hình thức tuyên truyền thông qua phiếu điều tra, thăm dò dư luận xã hội để thu thập thông tin phản hồi của cán bộ, nhân dân về hiệu quả thực thi pháp luật chưa được triển khai thực hiện.
Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án từ năm 2016 còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Đến nay, toàn tỉnh mới có 86/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chưa lựa chọn và xây dựng được đơn vị điểm thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL tuy số lượng đông nhưng trình độ không đồng đều nhất là ở cơ sở.
Đội ngũ báo cáo viên lại kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác, do vậy, việc nghiên cứu chuyên sâu, biên soạn tài liệu cũng như tham gia các buổi phổ biến pháp luật tại cơ sở chưa thường xuyên.
Đội ngũ cán bộ pháp chế của các sở, ngành hầu hết do công chức chuyên môn tại các phòng khác nhau kiêm nhiệm nên việc tham mưu, tổ chức thực hiện, tổng hợp về công tác PBGDPL tại cơ quan, đơn vị hiệu quả còn hạn chế.
Để việc thực hiện công tác PBGDPL nói chung và triển khai Đề án số 07/ĐA-UBND nói riêng thực sự có hiệu quả, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Đầu tư đúng mức về nhân lực, kinh phí thực hiện công tác PBGDPL.
Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, nâng cao vai trò đầu mối của cơ quan Tư pháp, cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức trong thực hiện công tác PBGDPL. Thực hiện tốt công tác tổng kết, đánh giá các mô hình để rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL, đồng thời kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, xử lý những đơn vị, cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong thực hiện Đề án.
Các cấp, ngành bám sát vào nội dung, mục tiêu của Đề án tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án gắn với việc thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; Chương trình, Đề án phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 -2020.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL.
Triển khai đồng bộ và không ngừng đổi mới hình thức, nội dung PBGDPL phù hợp với từng đối tượng và địa bàn. Kết hợp thực hiện Đề án với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án của Trung ương về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, theo các giai đoạn được phê duyệt.
Trần Mạnh Dũng